Những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sở hữu “kho” tiền mặt cả tỷ USD

Đến nay, hầu hết các công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, những doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt cũng dần lộ diện.

Đến nay, hầu hết các công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, những doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt cũng dần lộ diện.

Theo báo Tiền Phong, Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán: GAS) sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 40.767 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này chiếm 46% tổng tài sản của GAS và tăng khoảng 3.900 tỷ đồng so với cuối quý I. Trong 6 tháng đầu năm, khoản tiền gửi ngân hàng này đã đem về cho công ty hơn 1.033 tỷ đồng lãi.

Tiếp theo là doanh nghiệp thép đầu ngành – Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi 36.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Tại ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền thể hiện trên bảng cân đối kế toán của HPG là 13.252 tỷ đồng, tăng 4.928 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn là 22.848 tỷ đồng.

nhung doanh nghiep niem yet tren san chung khoan so huu kho tien mat ca ty usd

Lộ diện những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sở hữu “kho” tiền mặt cả tỷ USD.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) cũng được ghi nhận là đơn vị sở hữu nhiều tiền mặt. Tại thời điểm cuối quý 2/2023, ACV có 31.274 tỷ đồng tiền mặt, giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn là hơn 29.500 tỷ đồng, giúp mang về 828 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm. Mặt khác, dù vay nợ hơn 11.000 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay mà ACV phải trả chỉ 34 tỷ đồng. Nhờ đó, khoản tiền lãi đóng góp 19% cho tổng lợi nhuận công ty.

Tiếp theo là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) với 29.229 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm 39% tổng tài sản. Nửa đầu năm 2023, số tiền gửi này đã mang về cho Lọc hóa dầu Bình Sơn hơn 762 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày nhận gần 3 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) cũng tích cực tích trữ tiền mặt trong bối cảnh lãi suất cao. Sau 6 tháng, FPT có thêm  7.200 tỷ đồng tiền mặt, nâng tổng số tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên 26.685 tỷ đồng (tăng 37%). Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm 44% tổng tài sản của tập đoàn.

Tại ngày 30/6, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) có mức tăng nhanh nhất với tỷ lệ 72%, từ mức 14.195 tỷ lên 24.420 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này mang về cho Thế giới Di động đến hơn 809 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền này giúp Thế giới Di động thoát thua lỗ trong quý II năm nay.

Tại thời điểm 30/6, quy mô tài sản Coteccons ở mức 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm. Trong đó, Coteccons đang có gần 1.883 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 77%. Giá trị hàng tồn kho hơn 3.148 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) có 22.397 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty thu về hơn 684 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) có hơn 23.000 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) có 20.664 tỷ đồng, theo tạp chí Mekong Asean.

Vân Anh (T/h)