Những lô trái phiếu bị huỷ bỏ: Từ xử phạt đến điều tra hình sự

Mặc dù là kênh huy động vốn hiệu quả nhưng có không ít "ông lớn" bất động sản đã tiến hành hủy/bị buộc hủy phát hành trái phiếu doanh nghiệp vì sai phạm.

Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh kênh vay vốn tín dụng từ các tổ chức tài chính hay thông qua chứng khoán. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành trái phiếu tăng nhanh cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc phát hành để huy động vốn nhằm phục hồi sản xuất.

Mặc dù thị trường TPDN tăng trưởng "nóng" và có nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có không ít hiện tượng huy động vốn chưa tuân thủ quy định của pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư cũng như thị trường tài chính.

Đáng chú ý, không ít "ông lớn" bất động sản đã tiến hành hủy/bị buộc hủy phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Bất thường trong trái phiếu của VsetGroup

vset

Hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.

Cuối năm 2021, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động chào bán trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn VsetGroup (có trụ sở tại số 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) do đơn vị này phát hành.

Qua rà soát, cơ quan quản lý phát hiện trong thời gian từ 1/1/2020 đến 27/10/2021, VsetGroup đã đưa thông tin mời chào và thông tin liên hệ trên phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư tiếp cận, mua trái phiếu.

Tuy nhiên, đơn vị này không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN, vi phạm quy định tại Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006 và Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.

Ngày 30/11/2021, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính VsetGroup 600 triệu đồng vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định.

Cơ quan quản lý cũng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc VsetGroup phải thu hồi trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà VsetGroup mở tài khoản thu tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư (thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành).

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý cho thấy hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.

Cụ thể, VsetGroup báo cáo đã ký hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu từ 1/1/2020 đến 27/10/2021, với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng doanh nghiệp không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được từ chào bán trái phiếu.

Công ty không theo dõi, hạch toán, trình bày trên báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 và báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2021 đối với các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn.

Các khoản tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu được các cá nhân trong công ty rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của công ty.

Apec Group phát hành hơn 500 tỷ trái phiếu "chui"

Ngày 6/12/2021, UBCKNN đã có quyết định xử phạt đối với Công ty CP Tập đoàn Apec Group (trụ sở tại: tầng 3 TTTM Grand Plaza, 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) về hành vi vi phạm trong việc công bố thông tin khi chào bán trái phiếu.

Cụ thể, trong năm 2020, doanh nghiệp phát hành ra công chúng và các nhà đầu tư 1 lô trái phiếu với giá trị 8,1 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian từ 18/01 - 06/08/2021, Apec Group tiếp tục chào bán 16 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 499,707 tỷ đồng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.

Vì vậy, UBCKNN đã xử phạt hành chính 600 triệu đồng, buộc Apec Group phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh

do anh dung

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng 6 lãnh đạo các công ty liên quan bị bắt để điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Mới đây nhất, đầu thàng 4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành văn bản hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của 3 đơn vị thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil với tổng trị giá lên tới 10.030 tỷ đồng.

Quyết định này được đưa ra sau khi UBCKNN đã xem xét kỹ hồ sơ, tài liệu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền và dựa trên căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Lý do hủy 9 đợt phát hành chào bán trái phiếu của 3 đơn vị kể trên vì "có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ".

Theo quyết định này, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong 9 đợt chào bán trái phiếu nêu trên. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có trách nhiệm công bố thông tin trên chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của HNX về việc hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu nêu trên.

Chiều 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), để điều tra tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điều 174, Bộ luật Hình sự.

Cùng tội danh này, C03 còn khởi tố, bắt giam 6 người khác là lãnh đạo tập đoàn Tân Hoàng Minh và các công ty con thuộc tập đoàn.

Tiếp đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng các công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Bạch Hiền

Bài đăng trên Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Thứ Tư (100)