Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện với bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - một gương bác sĩ điển hình trong công tác điều trị F0, chỉ đạo khống chế dịch tại tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương vào ngày 9/12/2021. Ông vẫn kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên.
F0 doạ giết cũng không sợ
Tỉnh Bình Dương thời gian qua đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Bác sĩ có chia sẻ gì về cơn đại dịch vừa qua?
Những ngày đầu đại dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới và ở Việt Nam, tôi và nhiều đồng nghiệp cũng tìm hiểu và nắm thông tin nhiều về dịch bệnh này.
Sở Y tế cũng chỉ đạo cho các Trung tâm y tế địa phương phải lên phương án, chuẩn bị đầy đủ cho công tác phòng chống dịch. Nhiều kế hoạch được đưa ra, khi Bình Dương phát hiện những ca đầu tiên, ngành y tế hoả tốc khoanh vùng dập dịch. Nhưng chỉ trong ít ngày, số ca nhiễm ở Bình Dương phát hiện liên tục, các ổ dịch nhanh chóng bùng phát.
100% quân số trực chiến làm gấp 2, gấp 3 lần nhưng không thể đáp ứng kịp số lượng cộng việc. F0 gia tăng nhưng thời điểm tháng 7, tháng 8/2021 chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, có người tử vong. Với tôi lúc đó thực sự là những ngày ‘tối’, những ngày mà ngành y tế phải đối mặt với những khó khăn thách thức.
Nói về chuyên môn một chút, thì bác sĩ có thể chia sẻ quá trình chăm sóc F0 và làm thế nào để F0 có thể khỏi bệnh một cách nhanh nhất?
Thời điểm đầu vẫn không có phác đồ điều trị cho các ca nhiễm Covid-19, chúng tôi ghi nhận nhiều triệu chứng sau đó báo cáo về Sở Y tế và các cơ quan chuyên môn để tìm giải pháp và cho thuốc điều trị các triệu chứng.
Có nhiều F0 trở nặng thì được chuyển viện và can thiệp bởi nhiều thiết bị y tế để cứu sống người. Ngoài ra, có nhiều trường hợp F0 không triệu chứng, một số thì bị sổ mũi, sốt, ho… những người này đều được phát thuốc điều trị và rất nhiều trường hợp đã khỏi bệnh, xuất viện về nhà.
Từng điều trị hơn 2.000 F0 và cho xuất viện, cảm xúc của bác sĩ lúc đó ra sao?
Đó là may mắn và sự nỗ lực của cả tập thể y, bác sĩ và lãnh đạo địa phương. Huyện Bàu Bàng (bác sĩ Chín công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng trước khi được điều về thị xã Tân Uyên – PV) thời điểm đó tỷ lệ tiêm vắc-xin chưa nhiều chỉ mỗi tuyến đầu, ngoài ra lại là địa bàn đông dân cư vì tập trung nhiều khu công nghiệp.
Tuy nhiên, khi xuất hiện F0 chúng tôi đã trưng dụng nhiều cơ sở như bệnh viện, trường học để đưa F0 vào phân loại điều trị, phát thuốc theo từng người. Chính vì chia được từng tầng ra để theo dõi, khám chữa bệnh nên hiệu quả tốt, các bệnh nhân nhanh khỏi.
Thời điểm dịch bùng mạnh, thấy hàng nghìn người xuất viện khoẻ mạnh về nhà, tôi rất vui, vì đó là sự nỗ lực của cả hệ thống từ chính quyền địa phương, y tế cùng người dân.
Cũng từng bị chính những F0 đe doạ, thoá moạ và chửi bới, thậm chí đòi đánh, đòi giết… Lúc đó, giữa lúc dịch bệnh căng thẳng vào áp lực đối với tất cả đội ngũ y bác sĩ. Với vai trò là Giám đốc Trung tâm, bác sĩ đã làm gì ngay tại thời điểm đó?
Nhắc đến đây thì đó là cũng kỷ niệm đáng nhớ của tôi. Khi Bàu Bàng đưa F0 vào cách ly tập trung, đội ngũ y bác sĩ ít, không kịp phục vụ hàng nghìn người, những người dân bị bệnh có vài thành phần quấy rối, đòi ăn uống đầy đủ, phải theo yêu cầu của họ… khi không kịp đáp ứng họ xông vào đe doạ chửi bới đội ngũ y bác sĩ, thậm chí xông vào phòng nghỉ của các bác sĩ lấy đồ ăn, quạt.., đóng cửa ở bên trong. Từ khi làm nghề, đây là lần đầu tôi bị nhiều người đe doạ đánh, giết đến thế.
Họ nói rằng họ mang bệnh chết người, không sợ ai hết, bác sĩ không nghe lời họ thì họ sẽ lây bệnh cho. Khi này, nhiều nhân viên, y tá là nữ rất sợ hãi, áp lực. Tôi phải động viên từng người và động viên F0, vận động và cố gắng làm tốt nhất có thể để lo đầy đủ cho người dân. Một số thành phần bất hảo thì phải nhờ đến lực lượng công an can thiệp, khi đó mọi sự mới vãn hồi.
Bác sĩ có sợ hãi hay không và có bao giờ có ý định rằng nếu dịch bệnh tràn lan thì “bỏ cuộc”?
Nói thực sự, khi dịch bùng phát thì chúng tôi đã xác định tư tưởng rồi, đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của người bác sĩ không chỉ riêng tôi mà còn nhiều đồng nghiệp khác.
Nếu không làm thì hàng nghìn người bệnh kia biết làm sao. Thực sự, thời điểm đó mệt mỏi lắm, áp lực vô vùng lớn, nhiều đồng nghiệp, cấp dưới của tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Nhưng với vị trí là lãnh đạo cùng với sự chỉ đạo của Sở Y tế, tại thời điểm dịch bệnh bùng phát không giải quyết cho bất kỳ ai nghỉ việc, 100% phải trực chiến.
Có một sự việc rất tình cờ là, trong quá trình đi công tác, bác sĩ đã thực hiện đỡ đẻ cho một thai phụ giữa đường. Đó có thể xem là một cơ duyên và may mắn của gia đình sản phụ. Vậy bác sĩ có thể kể lại thời khắc đó tại sao lại có thể đỡ đẻ cho sản phụ nhanh như thế?
Tôi được điều chuyển từ TTYT huyện Bàu Bàng về TTYT thị xã Tân Uyên để tăng cường công tác chống dịch và đang trên đường đi họp.
Hôm đó là khoảng 17h, ngày 19/9, tôi cùng một bác sĩ khác đang trên đường đi họp. Khi cả hai đến đoạn đường thuộc phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên thì dừng đèn đỏ, nhìn bên kia đường thấy một người phụ nữ mang bầu có dấu hiệu đau và đang trở dạ.
Chuyên môn chính của tôi là sản khoa, nên nhìn thôi tôi đã biết là người phụ nữ này sắp sinh. Ngay lập tức tôi dừng xe chạy qua đường và yêu cầu người chồng đưa chị này vào bên trong vỉa hè.
Trên xe tôi khi nào cũng có găng tay nên tôi đỡ đẻ ngay, may mắn là cháu bé đã chào đời khoẻ mạnh, người mẹ cũng không sao. Sau khi hoàn tất, tôi gọi xe cấp cứu đến và đưa 2 mẹ con vào Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên theo dõi sức khỏe.
Đó cũng là một cơ duyên với tôi vì rất hiếm khi gặp được trường hợp như vậy, đỡ đẻ ngay giữa đường nhưng “mẹ tròn con vuông” thật may mắn và hạnh phúc.
Thị xã Tân Uyên là một trong nhưng địa phương vùng đỏ nóng nhất ở Bình Dương trước khi bác sĩ về làm Giám đốc. Trong thời gian làm Giám đốc TTYT thị xã Tân Uyên, ông có những quyết sách gì trong công tác phòng dịch để cho thị xã này giảm bớt số ca nhiễm từng ngày?
Khi về Tân Uyên tôi xem đây là sự tin tưởng của lãnh đạo Sở Y tế đối với tôi, vì khi này Tân Uyên đang là “vùng đỏ đậm đặc” con số F0 ở đây tăng chóng mặt. Khi về nhận chức, tôi bắt tay vào làm việc ngay khi nắm các thông tin trên địa bàn.
Khi đó, tôi đi kiểm tra các khu cách ly tập trung thấy hàng nghìn người dân F1, F2 quá thiếu thốn. Tôi ngay lập tức báo cáo lãnh đạo thị xã, sau đó huy động lực lượng y tế tới lấy mẫu xét nghiệm PCR và phải có kết quả nhanh nhất. Nhưng ai âm tính đều được cho về nhà và tiếp tục theo dõi, không tập trung lại một chỗ khi họ thực sự chưa có nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, tôi đã lập các trạm y tế công đồng để hỗ trợ người dân, bên cạnh đó là triển khai tiêm vắc-xin thật nhanh, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Trong thời gian này, Bình Dương đã có phác đồ điều trị F0 nên ca khỏi bệnh rất nhiều, cuộc sống người dân dần trở lại trạng thái tốt.
Hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại sau khi mở cửa, bác sĩ có kinh nghiệm, hay lời khuyên gì gửi đến nhân dân để họ được phòng tránh bệnh Covid-19 tốt hơn?
Hiện nay tỉ lệ tiêm vắc-xin ở Bình Dương đã rất cao, trong thời kỳ bình thường mới, chúng ta phải xác định sống chung với dịch, những người tiêm đủ 2 mũi tỷ lệ nhiễm và trở nặng rất thấp.
Tôi muốn khuyến cáo người dân phải luôn tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc khi không cần thiết, bổ sung chất dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ. Nếu nhiễm bệnh, hãy bình tĩnh liên hệ với y tế địa phương để được hướng dẫn điều trị.
Năm 2022 đã đến, bác sĩ có lời nhắn nhủ nào đến người thân, gia đình và người dân, bệnh nhân trong thời gian tới?
Năm 2021 thực sự là khó khăn cho cả đất nước, sự mất mát đau thương do dịch Covid-19 để lại không thể nào quên. Nhưng với sự nỗ lực của tất cả mọi người, đại dịch cuối cùng cũng giảm bớt, 2021 sẽ trôi qua thật nhanh và chào 2022 với thời kỳ mới, cuộc sống mới, an toàn, thích nghi hơn.
Nhân đây, tôi cũng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Sở Y tế, các cấp ngành đã tin tưởng và luôn đồng hành ủng hộ đội ngũ y bác sĩ chúng tôi trong quá trình chống dịch.
Chúc người dân luôn khoẻ mạnh, đón một mùa Xuân an vui, hạnh phúc và an toàn!
Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!