Nối dài hành trình chống dịch
Khoảng đầu tháng 11, khi tình hình dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh bắt đầu lắng xuống, đoàn y bác sĩ bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh viện dã chiến số 3 (TP.Thủ Đức) đã lên đường chi viện tăng cường lực lượng chống dịch cho các tỉnh miền Tây: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Lý Quốc Công, Trưởng khoa Lâm sàng (bệnh viện dã chiến số 3), người dẫn đầu đoàn chi viện tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thành viên đoàn gồm 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng, chủ yếu hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2 và tầng 3 tại bệnh viện Thanh Vũ Medic”.
Vốn đã có kinh nghiệm trong việc điều trị, thành lập bệnh viện điều trị Covid-19 đa tầng, đoàn y bác sĩ đã nhanh chóng hỗ trợ bệnh viện tỉnh bạn thiết lập bệnh viện điều trị theo mô hình này, gồm có khu vực hồi sức tích cực, khu điều trị bệnh nhân nặng và buồng cấp cứu sàng lọc. Theo bác sĩ Công, niềm vui mà đoàn nhận được là số ca chuyển nặng và tử vong tại tỉnh Bạc Liêu đã giảm rõ rệt và hầu hết lực lượng y tế tại bệnh viện cũng đã có đầy đủ kinh nghiệm trong điều trị F0, mà công tác truyền thông cho người dân về dịch bệnh cũng mang lại những thuận lợi nhất định.
Tham gia chống dịch ở những môi trường khác nhau, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Chinh (SN 1997, bệnh viện Lê Văn Thịnh) cũng có những trải nghiệm và kỷ niệm đặc biệt. Từ một “tân binh” còn nhiều bỡ ngỡ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi mới vào bệnh viện dã chiến số 3, đến khi nhận nhiệm vụ mới tại bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic (Bạc Liêu), nữ điều dưỡng trẻ đã có nhiều đổi thay trong suy nghĩ.
“Từ những ngày giữa tháng 8, tôi bước chân vào nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho F0 tại bệnh viện dã chiến số 3. Do chưa từng tiếp xúc với F0, mới chỉ tham gia hỗ trợ lấy mẫu và tiêm ngừa trước đó, nên thời điểm này, tôi không khỏi lo lắng, chính xác hơn là có chút tâm lý lo sợ do chưa có kinh nghiệm. Phải mất gần một tuần, tôi mới có thể “bắt nhịp”. Tuy nhiên, lần này, khi nhận nhiệm vụ tại Bạc Liêu, ít nhiều đã có kinh nghiệm, tôi tự tin hơn hẳn, thậm chí, còn có phần hào hứng khi được tham gia chi viện, hỗ trợ anh chị em đồng nghiệp mới, ở một nơi mới. Cảm nhận của tôi về cuộc chiến ở đây cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với cường độ căng thẳng ở bệnh viện dã chiến số 3”, điều dưỡng Chinh bộc bạch.
Nhắc đến những tháng ngày chống dịch vừa qua, nữ điều dưỡng trẻ không ngần ngại trải lòng: “Thú thực, lần đi chống dịch này là đợt xa nhà đầu tiên lâu đến vậy của tôi. Từ những ngày đầu, chỉ tiếp xúc với bệnh nhân nhẹ, đến khi chuyển khoa chỉ toàn gặp bệnh nhân nặng, tôi phải chứng kiến những nỗi buồn ngày một nhiều hơn... và đó cũng chính là điều khiến tôi thường phải suy nghĩ.
Có những trường hợp 3-4 trong một gia đình cùng mắc Covid-19, cùng chuyển biến nặng, thậm chí, đã được các y bác sĩ dốc hết sức cứu chữa nhưng cũng không vượt qua được… Mỗi lần vuột mất một bệnh nhân, chúng tôi đều rất buồn, bản thân tôi thì cảm thấy vô cùng áy náy, vì mặc dù chúng tôi đã cố hết sức, nhưng không giành lại được sự sống, tức là mình vẫn chưa giúp được điều gì…
Nhiều lúc, tôi cũng thấy mình như gần cạn kiệt sức lực, nhưng lại nhanh chóng tự xốc tinh thần: ‘Thời chiến thì người dân mới cần mình đến vậy!’ Rồi một ca làm việc mới lại bắt đầu”.
Thời gian chống dịch nhiều hơn dành cho gia đình
Đối với các y bác sĩ đang tham gia trong trận tuyến chống dịch, thời gian dành cho gia đình có lẽ không bằng một góc nhỏ họ ở bên các bệnh nhân. “Hơn 4 tháng trực chiến ở bệnh viện dã chiến số 3, nhưng khi dịch tại thành phố tạm ổn, chúng tôi vẫn giữ nguyên ngọn lửa nhiệt huyết, sẵn sàng tinh thần xông pha, nhận nhiệm vụ chi viện cho các tỉnh miền Tây”, bác sĩ Công cho biết.
Trong thời gian một tháng qua, bác sĩ Công đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện xúc động không chỉ của gia đình các bệnh nhân, mà ngay từ chính những người đồng nghiệp của mình. Vị bác sĩ nhớ lại: “Mấy tuần trước, một bác sĩ đang làm việc thì nhận tin bố mẹ đã mắc Covid-19, phải vào bệnh viện điều trị. Đến khi bố mẹ được xuất viện, anh ấy lại tiếp tục nhận tin vợ mình cũng dương tính, phải cách ly, trong khi con nhỏ ở nhà chỉ mới được hơn 8 tháng. Suốt những ngày nhận được tin tức không may mắn ấy, chúng tôi là đồng nghiệp đều rất lo lắng cho cả anh và gia đình.
Tuy nhiên, bản thân bác sĩ ấy vẫn giữ được sự bình tĩnh, hoàn thành rất tốt nhiệm vụ trong chuyến chi viện này. Có thể, trong lòng anh khi ấy cũng nhiều lo lắng bộn bề, nhưng tất cả nỗi niềm riêng cũng đành gác lại, thời gian ở bên chăm sóc cho người bệnh vẫn là sứ mệnh quan trọng nhất lúc này”.
Tuy dịch bệnh khiến gia đình phải xa nhau, song, với bác sĩ Công, “trong cái rủi lại có cái may”. Anh hóm hỉnh kể: “Từ năm trước, tôi đã xác định dịch bệnh này không thể đẩy lùi chỉ trong một sớm một chiều, mà bà xã tôi cũng công tác trong ngành, nên thời gian dành cho các con chắc chắn cũng không có nhiều. Vậy nên, tôi đã phải “tập huấn” cho cô con gái 10 tuổi và cậu con trai 5 tuổi cách tự chăm sóc bản thân một cách tốt nhất khi không có ba mẹ ở nhà.
Vì ông bà đều ở xa, nên dịp này, khi tôi đi chống dịch, bà xã cả tuần mới về một lần, tôi phải nhờ đến cả… cô hàng xóm, thỉnh thoảng ghé nhà nấu một món ngon ngon giúp các con tôi. Bởi chúng chỉ mới được học mấy món đợn giản như nấu mì gói, pha sữa, rán trứng…
Còn tôi, mỗi khi tranh thủ được những phút rảnh tay, tôi lại gọi về nhà, chỉ các con học bài, vì đợt này, toàn thành phố học online, các con không có ai kèm nên cũng không tránh khỏi những khó khăn, nhất là khi gặp sự cố về kỹ thuật, công nghệ.
Mặc dù, thời gian của chúng tôi dành cho các con có thể không bằng thời gian chăm sóc bệnh nhân, nhưng bên cạnh việc rất thương chúng, tôi lại thấy rất tự hào. Bởi, một phần nào đó, nhờ dịch, mà các con trở nên hiểu chuyện và tự lập hơn rất nhiều, cũng không nhõng nhẽo, nũng nịu, vòi ba mẹ bao giờ. Nhờ vậy, chúng tôi thêm vững tâm với sứ mệnh của mình nơi tuyến đầu”.
(Ảnh: NVCC).