Thương... vì không thể ôm con mỗi tối
Suốt nhiều tháng qua, TP.Hồ Chí Minh trở thành nơi gom góp sự yêu thương, đứng trước “cơn bão Covid”, là hàng triệu trái tim chung nhịp đập hướng về. Mỗi giọt mồ hôi của lực lượng tuyến đầu đang nhỏ xuống chính là biểu tượng của sự lăn xả ngày đêm, góp một phần sức mạnh tạo nên thành quả chống dịch.
Xung phong chi viện cho các đồng nghiệp tuyến đầu, ngày 2/9, bác sĩ Lương Thanh Tú (SN 1987, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Hàm mặt, bệnh viện E) bắt đầu nhận nhiệm vụ mới ở bệnh viện hồi sức Covid-19 (đặt tại bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh).
Vốn chưa từng có trải nghiệm điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, nên những ngày đầu trong môi trường mới cũng là một thử thách với bản thân nữ bác sĩ.
“Điều tôi phải làm quen đầu tiên chính là bộ đồ bảo hộ mà chúng tôi luôn phải mang trên mình. Tuy không tới mức bị ướt sũng, chỉ là khi xong việc thì lưng áo mình sẽ lấm tấm mồ hôi như cơn mưa phùn đầu Xuân, nhưng khi mới mặc, tôi cũng cảm thấy khá bất tiện. Và khẩu trang cũng vậy, tuy không đến mức quá khỏ thở, nhưng có những lúc khá khó chịu, như mũi bị ngứa mà không thể đưa tay lên gãi được...
Từ những ngày đầu cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nên chỗ ngủ trực tối cũng hơi vạ vật, ai may thì có cái đệm, còn không thì chỉ có mấy tấm bìa, trải ra mà ngả lưng. Và khi ngủ, chúng tôi vẫn phải đảm bảo đeo đầy đủ khẩu trang, nhiều lúc cũng thấy hơi “oải”... Nhưng cố gắng hết ca trực, lại được về phòng nghỉ ngơi tử tế”, chị bật cười.
Có lẽ, đó là tất cả những thử thách khi “bắt nhịp” với nhiệm vụ mới, còn lại, đối với chị, chẳng còn khó khăn nào đáng kể: “Có thể, có những đồng nghiệp sau một ca làm việc hối hả, mệt nhoài, sẽ xuất hiện cảm giác không muốn dùng bữa...
Nhưng tôi thì khác, mặc dù cũng có lúc cảm giác không còn sức, nhưng tôi luôn tâm niệm, nhiều người ngoài kia còn đang không có cơm mà ăn, nhất là khi chúng tôi mới vào, đúng đợt thành phố đang giãn cách, nguồn vận chuyển lương thực khan hiếm, nên Nhà nước lo được cho mình đến đâu là đáng quý đến đó, dù có như thế nào, tôi cũng ăn với tâm trạng tốt nhất, chứ chưa bao giờ có cảm giác chán ăn hay bỏ bữa. Hơn nữa, phải ăn thì mới có sức khỏe mà chăm sóc, điều trị cho người bệnh”.
Nhắc đến lý do xung phong vào “tâm dịch”, bác sĩ Tú lý giải: “Bởi lẽ, với tôi, Sài Gòn như là thành phố - quê hương thứ hai vậy! Người thân, họ hàng của tôi trong đây rất nhiều... Vậy nên, tôi suy nghĩ, mình làm gì đó cho Sài Gòn, dù chỉ là đóng góp một phần nhỏ, cũng như là đang giúp cho chính gia đình, người thân của mình. Khi người thân bị mệt, bị đau, thì không ai đành lòng mà ở nhà cho được!”.
Giống như rất nhiều y bác sĩ khác khi lên đường chi viện cho “thành phố mang tên Bác”, chị cũng tạm gác gia đình lại phía sau. Và đó cũng là điều khiến chị trăn trở nhiều nhất: “Gia đình tôi có hai bé nhỏ, 5 tuổi và 2 tuổi, phải để ở nhà cho ông bà chăm sóc vì cả hai vợ chồng cùng phải đi công tác đợt dịch này. Những phút lặng, tôi thường nghĩ đến hai bé ở nhà nhiều nhất!
Tôi rất thương vì không thể ôm ấp con ngủ mỗi tối. Những cuộc gọi vội về nhà khiến tôi cảm giác như ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương! Có nước mắt, có nụ cười, có những câu chuyện kể với nhau mỗi tối...
Tôi thực sự nghĩ: “Không chỉ người đi là cực, mà người ở nhà cũng vất vả rất nhiều. Dù là “hậu phương” hay “tiền tuyến”, đâu cũng là “trận chiến”, chỉ biết nhắc các con cùng cố gắng và luôn lạc quan. Rồi khi lớn lên, nhìn lại, các con sẽ thấy chúng mình đã kiên cường như thế nào. Mẹ tự hào về 2 đứa...”.
Và câu hỏi dài mỗi tối của các con là: “Bao giờ thì mẹ về? Mẹ diệt Covid xong hết chưa?”... Mặc dù trước khi đi đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ cho các con, đã nói chuyện và động viên, nhưng tối nào các bé cũng nhớ “hơi” mẹ... Vậy nên, tối nào rảnh rang một chút, tôi gọi điện về, kể chuyện cho các con nghe qua điện thoại, kể đến khi con dần chìm vào giấc ngủ mới yên tâm đi nghỉ”.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết về phần ai”
Tuy không phải chuyên ngành chính như hồi sức cấp cứu hay nội khoa, nhưng bác sĩ Lương Thanh Tú vẫn đang miệt mài tham gia điều trị và chăm sóc F0, bởi theo chị, đó đều là những nhiệm vụ mà “khi đến tay ai, cũng phải xắn tay vào làm”.
Là phụ nữ, nên có những lúc, chị không tránh khỏi những cảm xúc yếu mềm trước câu chuyện của bệnh nhân. “Hồi đầu, chứng kiến bệnh nhân trở nặng nhanh hay không qua khỏi, tôi cũng có chút “sốc”, vì các y bác sĩ đều đã rất cố gắng mà không giành giật được sự sống cho bệnh nhân... Nhưng rồi, cảm giác buồn cũng không ở lại lâu, còn rất nhiều việc mà chúng tôi phải lo, qũy thời gian là để dành cho những F0 còn đang phải “chiến đấu” từng ngày.
Vì bệnh nhân vào viện một mình, không có gia đình chăm sóc, nên khi chứng kiến những người ra đi ở ngay giường bên cạnh, tâm trạng của họ rất lo lắng, thậm chí, có người hoảng loạn ra mặt. Những lúc ấy, bản thân tôi không chỉ là bác sĩ điều trị bệnh lý, mà còn phải quan tâm, hỏi han, chăm sóc và động viên tâm lý, giống như người thân trong gia đình, giúp họ yên tâm điều trị và vơi đi nỗi nhớ nhà. Có lẽ, đây cũng là một lợi thế đối với tôi, bởi, phần nào đó, bản năng người phụ nữ có thể làm tốt”, bác sĩ Tú bộc bạch.
“Thú thực, nhớ lại lúc đầu mới vào, tôi cũng rất lo lắng, trong khi, ở ngoài kia, việc gia đình vẫn còn bề bộn. Trong khi mình đang thực hiện nhiệm vụ ở đây, thì các bệnh nhân ngoài kia cũng đang chờ bác sĩ trở về.
Nhưng với tất cả trách nhiệm và tình yêu với “thành phố mang tên Bác”, nên tôi đã tình nguyện góp phần nhỏ mình để vào “chiến trường” trong giai đoạn cam go nhất. Tôi chỉ đơn giản nghĩ: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết về phần ai... Đó là động lực để tôi luôn bước về phía trước”, chị không ngần ngại giãi bày.
Và bên cạnh những khúc trầm của “cuộc chiến”, nữ bác sĩ cũng được chứng kiến không ít khoảnh khắc ấm áp đến từ các F0.
Chị tâm sự: “Nhiều lúc, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ chính những người bệnh của mình. Tôi nhớ nhất là một bác làm nghề đánh bắt cá, quanh năm sống ở ghe thuyền, năm nay đã hơn 50 tuổi và còn phải chăm sóc mẹ già. Bác là lực lượng lao động chính trong gia đình nên mong mỏi từng giờ, đợi khỏi bệnh để về đi làm. Bác rất ấm áp, luôn muốn tạo niềm vui cho những bệnh nhân nằm cùng và cả các y bác sĩ nữa. Vì làm nghề đánh bắt cá nên bác rất giỏi mấy ngón nghề thủ công, vậy là sau mỗi bữa ăn, bác thường gom đũa ăn sau khi dùng lại, rồi cặm cụi rồi lắp ghép thành những món đồ chơi tự chế, hoặc chiếc đế để điện thoại... và mang tặng mọi người.
Còn có bác lúc trước chuyên đi hát ở rạp, mà vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên đã lâu rạp hát không mở cửa và bác thì thất nghiệp. Giờ nằm trong viện, bác nhớ nghề, lại hát cho mọi người nghe cho đỡ buồn, vừa động viên các F0 khác, mà cũng chính là động viên bản thân... Nhưng lâu lâu hát mệt quá, oxy lại tụt, nên các bác sĩ phải cản lại”.
Ngừng lại một lát, bác sĩ Lương Thanh Tú chia sẻ: “Ở trong đây, chúng tôi vẫn thường hỏi nhau: Khi bình yên trở lại, bạn sẽ làm gì?, và câu trả lời sẽ là: “Tôi sẽ về nhà, vì nhớ nhà lắm rồi”, “Tôi sẽ hẹn bạn bè cà phê”... Có nhiều lắm những dự định về “ngày bình yên”.
Trải qua những ngày tháng này, tự nhiên tôi thấy trân trọng những khoảnh khắc kết nối cùng mọi người hơn rất nhiều, đó có thể là lúc ngồi uống cà phê, trò chuyện cùng gia đình, bạn bè… Đơn giản như thế đó!
Tôi chỉ mong rằng những lời hẹn của tất cả chúng ta sẽ sớm trở thành hiện thực. Và ai cũng sớm trở về nhà!”.
Giữ tâm hồn lạc quan và lan tỏa điều tích cực
Mặc dù chuyến chi viện lần này, cũng xuất hiện những khoảnh khắc trầm lại, song, bác sĩ Lương Thanh Tú vẫn lạc quan và luôn muốn lan tỏa những điều tích cực nhất đến cộng đồng, bởi, chị tâm niệm, đó sẽ là động lực để nhân viên y tế có thêm sức mạnh và giúp các F0 mau khỏe lại.
Có lẽ vì thế, trên trang cá nhân Facebook, chị dường như chỉ cập nhật những hình ảnh tươi sáng: “Có những thành phố, sẽ yêu thương mê mải, sẽ lại tìm cách trở đi trở lại thêm vài lần nữa. Ở đây, hạnh phúc của mình chỉ rẻ tiền như một cốc cà phê sữa đá. Mê những con đường, ngõ phố; cảm giác thuộc về nơi mình không hề sinh ra và lớn lên. Hạnh phúc khi cảm nhận được thành phố này đang là một phần trong những ký ức đẹp đẽ của mình...”.
Với một tâm hồn lạc quan, bác sĩ Lương Thanh Tú cũng thường xuyên có những lời gửi gắm rất dí dỏm: “Xin đừng ví chúng tôi là anh hùng, tôi thấy trong bộ đồ này, tôi giống một chú gấu hơn, và cho dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải “gấu” lên, mạnh mẽ lên thì mới có thể truyền cho năng lượng tích cực cho mọi người”.
Nói về cảm xúc khi ngày Phụ nữ Việt Nam đang đến gần, bác sĩ Tú bày tỏ: “Có người từng đề cập đến việc phụ nữ “xông pha tuyến đầu” thì vất vả nhiều hơn đàn đông, nhưng tôi lại cho rằng, khi đất nước cần, ai cũng có thể đưa tay góp sức. Trong trận chiến với Covid-19 này, lực lượng phụ nữ tham gia chống dịch cũng không ít hơn đàn ông... Điều này chứng minh phần nào cho việc, trong gia đình nói riêng và xã hội nói chung, đàn ông hay phụ nữ đều có thể là trụ cột!”.
(Ảnh: NVCC).