Những sai lầm khi dùng bếp ga khiến bếp nhanh hỏng, cháy nổ lúc nào không biết

Để bảo vệ gia đình mình tốt hơn, tăng độ bền cho bếp, bạn hãy xem các sai lầm thường gặp khi sử dụng bếp gas ở đây và khắc phục ngay nếu bạn đang mắc phải.

Không khóa van bình gas sau khi nấu ăn

Một trong những thói quen nguy hiểm mà các gia đình hay mắc phải nhất khi sử dụng bếp gas là “nhớ” khóa van bếp nhưng không “nhớ” khóa van bình gas.

Khi người dùng không khóa van bình gas, khí gas sẽ còn lưu lại bên trong đường ống dẫn, nếu trong điều kiện bình thường sẽ không có gì nguy hiểm xảy ra.

Nhưng nếu đường ống chẳng may bị chuột cắn, khí gas bị rò rỉ ra ngoài và tiếp xúc với tia lửa điện sẽ gây ra hiện tượng cháy nổ, nguy hiểm cho tính mạng của gia đình bạn.

Vì thế để đảm bảo an toàn, sau khi nấu ăn xong, người dùng cần khóa van bình gas trước tiên rồi chờ cho lửa trên lò tắt hẳn thì mới khóa van bếp.

Làm như vậy, trong đường ống dẫn gas sẽ không còn khí gas, nếu chuột có cắn đường ống thì cũng không có khí gas bị rò rỉ, người dùng sẽ không bị nguy hiểm gì.

Sử dụng bình gas kém chất lượng hoặc bếp quá cũ

Nhiều người dùng vì tiết kiệm chi phí đã chọn mua bình gas kém chất lượng hoặc sử dụng bếp gas quá cũ. Tuy nhiên, đây lại là thói quen xấu làm tăng nguy cơ mất an toàn khi dùng gas. Bình gas quá cũ, bị mài mòn, được cung cấp từ những cơ sở sang chiết gas trái phép không đảm bảo chất lượng hoặc bếp gas âm quá cũ, bị han gỉ nhiều,… đều là quả bom nổ chậm trong các gia đình.

Vì vậy, bạn nên chọn mua bình gas của các hãng sản xuất có uy tín, kiểm tra bình gas cẩn thận trước khi nhận, đồng thời vệ sinh bếp gas âm thường xuyên để đảm bảo thiết bị luôn làm việc hiệu quả và an toàn.

Không vệ sinh bếp thường xuyên

Nhiều người cứ nghĩ vệ sinh bếp chỉ đơn giản là lau dọn bề mặt bếp. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Thông thường nguyên nhân các vụ nổ khí gas xảy ra là do gas bị rò rỉ vì vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn... Vì thế, việc vệ sinh bếp chuẩn chính là lau dọn, kiểm tra bếp định kỳ. Nếu thấy bếp bị rỉ sét, kém chất lượng hay vỏ bình, van, ống dẫn có dấu hiệu bất thường thì phải thay ngay tránh những vấn đề phát sinh đáng tiếc xảy ra.

Không quan tâm chất liệu kệ để bếp gas

Kệ để bếp gas tuyệt đối không được làm hay trang trí bằng các chất liệu dễ cháy vì lửa từ bếp gas trong quá trình đun nấu rất dễ tiếp xúc với các chất liệu này và gây cháy nổ, gây nguy hiểm nếu bạn không kịp thời dập tắt lửa.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, bếp gas nên đặt cách trần nhà từ 1 – 1.5 m, cách tường, đồ dùng khác khoảng 15 cm, cách các thiết bị điện tử ít nhất 1.5 m và không nên đặt các vật dụng dễ cháy xung quanh bếp.