Những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc rót vốn mạnh nhất vào Việt Nam

Tính lũy kế đến hết năm 2024, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 92 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư ). Việt Nam cũng là 'cứ điểm' sản xuất hàng đầu của các ông lớn xứ kim chi.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2024, Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư, tăng 37,5% so với năm 2023.

Tính lũy kế đến hết năm 2024, Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký hơn 92 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam). Tổng số lao động do các doanh nghiệp Hàn Quốc tạo ra tại Việt Nam đã vượt quá 700.000 người.

Các lĩnh vực đầu tư chính của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, xây dựng, năng lượng, công nghệ cao, dịch vụ, ô tô...

Ngành công nghệ cao

Tập đoàn Samsung: Với tổng vốn đầu tư đến nay vượt 20 tỷ USD, Samsung trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Việt Nam là 'cứ điểm' sản xuất hàng đầu của Samsung, chiếm trên 50% sản lượng điện thoại di động của doanh nghiệp này trên toàn thế giới.

Năm 2008, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh được thành lập với số vốn đầu tư ban đầu là 670 triệu USD, sản xuất điện thoại di động và linh kiện, đóng góp khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2013.

Năm 2013, Samsung tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam với dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), có vốn đầu tư lên đến 3 tỷ USD.

Năm 2014, dự án Samsung CE Complex tại TP.HCM được khởi động với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, sản xuất điện tử gia dụng và các sản phẩm công nghệ cao, mở rộng danh mục sản phẩm của Samsung tại thị trường Việt Nam.

Năm 2024, Samsung Display tại Bắc Ninh là dự án mới nhất với vốn đầu tư 1,8 tỷ USD, sản xuất màn hình OLED cho ô tô và các thiết bị công nghệ, nâng tổng vốn đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh lên 8,3 tỷ USD.

Tập đoàn LG: Đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Đến năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký của LG tại Việt Nam đạt trên 8 tỷ USD, với doanh thu gần 14 tỷ USD. Tập đoàn hiện có ba nhà máy lớn tại Hải Phòng, vận hành các trung tâm R&D tại Hà Nội và Đà Nẵng. LG cũng đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 3 tỷ USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất và nghiên cứu.

LG Display: Đầu tư 5,65 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình OLED tại Hải Phòng với quy mô 14 triệu sản phẩm mỗi tháng. Năm 2024, LG Display đã tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, đạt kim ngạch xuất khẩu bình quân 5,8 tỷ USD mỗi năm và đóng góp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

LG Innotek: Một công ty con của LG đã đầu tư 1 tỷ USD vào năm 2023 để tăng cường sản xuất linh kiện điện tử và module máy ảnh cho điện thoại thông minh tại nhà máy ở Hải Phòng.

Công nghiệp & Năng lượng

Tập đoàn Hyosung: Là tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực như vật liệu công nghiệp, công nghệ thông tin, hệ thống điện công nghiệp, xây dựng, hóa chất và thương mại. Từ năm 2007, Hyosung đã đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam, tập trung vào các ngành công nghiệp nguyên vật liệu, dệt, hóa chất và hệ thống điện công nghiệp.

Năm 2023, doanh thu của tập đoàn đạt 16 tỷ USD. Hyosung cũng đã cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới, nâng tổng vốn đầu tư lên 8 tỷ USD.

Tập đoàn POSCO: Là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, POSCO đã thành lập 4 chi nhánh về thép với tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Năm 2023, doanh thu của POSCO tại Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, với sản lượng thép khoảng 1,8 triệu tấn/năm và tạo việc làm cho hơn 2.100 lao động.

Tập đoàn cũng bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch, nhiệt điện khí và mong muốn tham gia khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.

Tập đoàn Doosan Enerbility: Đã đầu tư vào Việt Nam thông qua Doosan Vina tại Quảng Ngãi, chuyên sản xuất các thiết bị công nghiệp và năng lượng. Tập đoàn này có kế hoạch mở rộng đầu tư, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và công nghệ cho các doanh nghiệp Việt trong thiết kế, mua sắm, xây lắp các nhà máy điện. Ngoài ra,

Doosan Enerbility cũng quan tâm đến việc phát triển điện gió ngoài khơi và áp dụng công nghệ khử carbon đối với các nhà máy điện nhằm góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Bất động sản và xây dựng

Tập đoàn Daewoo Engineering & Construction (Daewoo E&C): Là một công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Năm 2017, công ty thành lập Daewoo E&C Vina với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, triển khai dự án khu đô thị Starlake City tại Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Năm 2023, doanh thu của Daewoo E&C đạt trên 8,4 tỷ USD, với lợi nhuận thuần đạt 378 triệu USD. Công ty đã đầu tư xây dựng tại 50 quốc gia.

Tập đoàn Keangnam Enterprises: Là một trong những tập đoàn Hàn Quốc nổi bật trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, với dự án tiêu biểu là Keangnam Hanoi Landmark Tower, gồm hai tòa nhà căn hộ 50 tầng và một tòa tháp văn phòng kiêm khách sạn 72 tầng tổng chiều cao 350m, trở thành một trong những công trình cao nhất Việt Nam.

Với vốn đầu tư lên đến 1,05 tỷ USD, Keangnam Hanoi Landmark Tower nhanh chóng trở thành biểu tượng kiến trúc, trung tâm tài chính thương mại lớn của Hà Nội.

Tập đoàn Lotte: Đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 1996 và coi đây là thị trường quan trọng thứ ba sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tính đến năm 2022, Lotte đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào Việt Nam, với hơn 20 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thực phẩm, khách sạn, xây dựng và công nghệ thông tin.

Tòa nhà Lotte Center Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD, cao 65 tầng, bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và căn hộ dịch vụ. Các dự án khác như Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, Lotte Mall West Lake Hanoi với vốn đầu tư khoảng 643 triệu USD.

Tập đoàn GS Engineering & Construction (GS E&C): GS E&C hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng khu đô thị mới, hạ tầng dân dụng và công nghiệp. Tại Việt Nam, đã thực hiện các dự án bất động sản như Khu đô thị mới Nhà Bè tại TP.HCM; tham gia xây dựng tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài, cầu Vàm Cống, cầu Vĩnh Thịnh và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. GS E&C cũng đang triển khai các dự án khu đô thị mới và hạ tầng giao thông quan trọng khác.

Các lĩnh vực khác

CJ Group: Cũng đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1998 và nhanh chóng mở rộng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, logistics, chăn nuôi, rạp chiếu phim và bất động sản.

Với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt khoảng 1 tỷ USD, CJ đã ghi dấu ấn tại Việt Nam thông qua các thương hiệu nổi tiếng như CJ CGV trong lĩnh vực giải trí, CJ Foods trong ngành thực phẩm và CJ Olive Young với các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Đến năm 2023, doanh thu từ các hoạt động của CJ tại Việt Nam đã đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, riêng cụm rạp CJ CGV đạt doanh thu 59,1 tỷ won (hơn 1.053 tỷ đồng) đánh dấu mức lợi nhuận quý cao nhất 9,3 tỷ won (khoảng 165,8 tỷ đồng).

Hyundai Motor: Tập đoàn ô tô hàng đầu Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam thông qua liên doanh với Tập đoàn Thành Công (TC Group), dẫn đến việc thành lập Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV), với tổng vốn đầu tư khoảng 415 triệu USD, tạo ra hơn 2.300 việc làm.

Doanh thu hàng năm của liên doanh đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Vào tháng 11/2022, Hyundai và TC Group đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (HTMV2) tại Ninh Bình, nâng tổng công suất sản xuất lên 100.000 xe mỗi năm. Điều này củng cố vị thế của Hyundai tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Hoàng Minh/ VNF