Những thiên tài nhí trên thế giới giờ ra sao?

Cùng được gọi bằng cái tên 'thần đồng', nhưng khi lớn lên, mỗi người lại lựa chọn một hướng đi khác nhau: Hoặc sống đúng với lứa tuổi, hoặc đam mê hoặc tiếp tục nỗ lực để trở thành thiên tài.

Karina Oakley: Cô bé sở hữu IQ 160, tương đương Stephen Hawking

Từ khi lên 3 tuổi, Karina Oakley đã nổi tiếng ở nước Anh khi được đánh giá có IQ lên đến 160, tương đương 2 nhà Vật lý thiên tài Albert Einstein và Stephen Hawking.

Cũng giống bố mẹ - vốn là những người có năng khiếu về khoa học, toán học và vật lý, Karina rất thông minh và có tư duy nhạy bén vượt xa lứa tuổi.

Bà Charlotte Fraser, mẹ của Karina cho biết: “Ngay khi từ khi bắt đầu biết nói, Karina đã khiến mọi người kinh ngạc với những câu nói bất ngờ vượt xa độ tuổi”. Vì thế, bà đã tìm đến một nhà tâm lý trên mạng để tư vấn trước khi dẫn con gái đến London kiểm tra IQ. Lúc này, Karina mới hơn 2 tuổi.

Từ khi lên 3 tuổi, Karina Oakley đã nổi tiếng ở nước Anh khi được đánh giá có IQ lên đến 160

“Karia có sức tưởng tượng khác biệt so với trẻ em cùng tuổi. Cô bé có chỉ số IQ là 160, nằm trong top 0,03 % dân số có chỉ số thông minh cao nhất thế giới”, GS Joan Freeman, chuyên gia tâm lý nổi tiếng người Anh, chuyên về trẻ em tài năng nói.

Trở về, bà Charlotte Fraser bắt đầu tìm hiểu về thế giới của các thần đồng và hoảng sợ trước những câu chuyện “thiên tài tự học”.

“Cha mẹ nào cũng muốn con trải qua tuổi thơ vui vẻ, thú vị, cân bằng giữa học và chơi. Tôi tin không người lớn nào hối hận vì con không thi tốt nghiệp trung học vào năm 9 tuổi cả”.

Vì thế, thay vì cho con học vượt lớp như những thần đồng khác, Karina Oakley được đến nhà trẻ, đi học bình thường như các bạn. Cô bé với IQ cao vượt trội được sống hạnh phúc, thoải mái tưởng tượng và phát triển một cách tự nhiên nhất.

Megan Ward: Nhà sáng chế ra nhiều thiết bị đặc biệt

Megan Ward là con thứ 3 trong một gia đình đông con. Ở tuổi lên 10, Megan đã thiết kế một poster chống hút thuốc cho một dự án trong trường học. Tuy nhiên, thay vì tạo một tấm áp phích đơn giản, cô bé đã có ý tưởng tạo ra một chiếc móc khóa trong suốt hình phổi người, bên trong có chứa dịch màu nâu thể hiện tác hại của việc nghiện thuốc lá.

“Cháu muốn khi mọi người nhìn vào sẽ cảm thấy sợ hãi và không hút thuốc lá nữa”, cô bé nói. Megan đã nghiên cứu ý tưởng, kết nối với một công ty ở Trung Quốc để làm ra món đồ bằng tiền tiết kiệm. Cô bé sau đó đã lấy được bằng sáng chế và được một công ty đặt hàng với trị giá lên tới 12.000 bảng cho 25.000 chiếc móc khóa chống hút thuốc.

Megan có nhiều sáng chế đặc biệt

Lần khác, sau một kỳ nghỉ bị cháy nắng, Megan đã nghĩ ra ý tưởng về một chiếc vòng tay nhỏ bằng nhựa có thể thay đổi màu sắc dưới ánh nắng mặt trời. Chiếc vòng tay này sẽ cho người dùng biết khi nào cần thoa kem chống nắng hay mặc áo chống nắng. Một số công ty về kem chống nắng đã bày tỏ sự quan tâm đến ý tưởng này.

Megan cũng có ý tưởng về một chiếc vòng cổ của chó có đeo loa để chủ nhân có thể gọi chúng thông qua chiếc vòng cổ này.

Khác với các anh chị em, Megan không muốn học đại học và thích sáng chế hơn. Nhà phát minh mà Megan yêu thích là Trevor Baylis. Paula, mẹ của Megan, cho biết: “Nếu con bé thích làm điều gì, chúng tôi sẽ luôn khuyến khích. Con bé cần được động viên rất nhiều”.

Niall Thompson: Vào Đại học Cambridge năm 15 tuổi

Niall Thompson là con của một phụ nữ độc thân, trong gia đình không có ai học đại học. Cậu bé có những năm tháng tiểu học rất bình thường. Nhưng cuộc sống của cậu bắt đầu thay đổi vào tuần đầu tiên ở trường trung học tại Manchester, Anh.

Giáo viên dạy toán, Kate Parker, đã phát hiện ra khả năng đặc biệt của học trò. Giáo viên này đã đưa cho Thompson một cuốn sách nâng cao để cậu giải thử và Niall Thompson đã hoàn thành một cách dễ dàng. Vì vậy, Parker bắt đầu dạy thêm cho học trò sau giờ học.

Vào năm 15 tuổi, Thompson đã thi đỗ vào khoa Toán của Đại học Cambridge.

Chính cô giáo cũng là người đầu tiên đề nghị Niall Thompson thử sức với ĐH Oxford và ĐH Cambridge. Sau 2 năm theo học cô Parker, vào năm 15 tuổi, Thompson đã thi đỗ vào khoa Toán của Đại học Cambridge.

Sau khi nhận được sự chú ý từ giới truyền thông, Thomspon cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng khi được hỏi có cảm thấy thoải mái không khi được gọi là thần đồng, cậu trả lời: “Tôi đã quen với việc đó. Tôi cảm thấy mình đang ở đúng vị trí. Xung quanh tôi là những người cũng học giỏi toán và họ không coi tôi là kỳ lạ”.

Andrew Halliburton: 8 tuổi đã làm toán cao cấp

Khi Andrew lên 2 tuổi, cậu bé bắt đầu nhận biết được mặt số và chữ xuất hiện trên TV. Cha của cậu kể lại: “Từ bé, Andrew rất hiếu động và làm toán từ rất sớm. Chúng tôi đưa cháu đến gặp bác sĩ. Họ cho biết Andrew có trí tuệ phát triển rất tốt, gia đình nên tạo điều kiện để cháu phát triển sự thông thái này”.

Lên 8 tuổi, hiệu trưởng trường tiểu học của Andrew đã gọi điện thoại cho các trường trung học để tìm một nơi cho cậu bé theo học môn toán cao cấp. Lúc 9 tuổi, khi các bạn học còn đang vui chơi và học toán cộng trừ đơn giản, Andrew đã giải toán tích phân.

Từ bé, Andrew rất hiếu động và làm toán từ rất sớm

“Mặc dù làm toán cũng đơn giản, nhưng dần dần tôi cảm thấy bị áp lực và bắt đầu hoảng loạn”.

Sau đó, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện những bức ảnh cậu bé đang ngồi bên một chồng sách và được đặt tên là “Thiên tài Andrew Halliburton”. Nhưng đối với Andrew, “tôi cảm thấy thời thơ ấu của tôi đã bị lãng phí. Tôi không được chơi như những đứa trẻ khác. Mặc dù tôi rất thích thú với việc đạp xe, nhưng tôi chưa bao giờ được học đi xe đạp”.

Vài năm sau, Andrew Halliburton trúng tuyển vào ngành Máy tính ứng dụng của ĐH Dundee. Trong nhiều năm trời, đây là mục tiêu mà cậu theo đuổi. Nhưng khi đạt được, Andrew lại thấy thất vọng vì “hóa ra, nó dễ hơn những gì mình nghĩ”.

Chán nản vì chương trình học toàn những thứ đã biết, cậu quyết định bỏ học, đi bán gà rán tại cửa hàng ăn nhanh. Đó là khoảng thời gian Andrew cảm thấy bấp bênh, không biết làm gì với cuộc đời mình và suýt bị sa thải.

Andrew cũng thẳng thắn thừa nhận không thích học Toán. Sau hơn 4 năm làm việc tại cửa hàng bán đồ ăn nhanh, Andrew Halliburton quyết định quay lại trường đại học. Lần này, cậu theo học đúng ngành mình thích - Công nghệ trò chơi điện tử.

“Tôi luôn nghĩ rằng bố mẹ sẽ phản đối. Nhưng tôi muốn được sống với đúng ước mơ của mình”, Andrew nói.

John Nunn: Từng là sinh viên trẻ nhất Đại học Oxford

Lớn lên ở Putney Heath (Anh), từ khi lên 3 tuổi, John đã thông minh hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Lúc đó, cậu bé có thể ghi nhớ số trang của mỗi cuốn sách trên giá. Lên 7 tuổi, John đánh bại cha mình khi chơi cờ vua và giành chức vô địch lần đầu tiên lúc 9 tuổi.

Năm 1970, khi 15 tuổi, John Nunn trở thành người trẻ nhất đỗ Đại học Oxford. Vào Đại học Oxford, John phải vật lộn để hòa nhập trong môi trường phức tập với các bạn học hơn mình rất nhiều tuổi. “Hầu hết sinh viên nam đều uống rượu. Tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống ở đây”, John nói.

Sau khi tốt nghiệp Oxford, ông ở lại trường làm giảng viên, dạy sinh viên chơi cờ vua. Ông trở thành một kỳ thủ chuyên nghiệp, vươn lên thành kiện tướng và chiến thắng trong nhiều giải đấu. John Nunn hiện đã xuất bản ít nhất 1.200 cuốn sách về cờ vua.

Nhiều người tiếc nuối trước lựa chọn của John. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Tôi không thích danh hiệu như thần đồng hay thiên tài mà họi gọi tôi. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì mình có một cuộc sống bình thường”.