SeABank lãi trước thuế 2.016 tỷ đồng

Lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 2.016 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng nhẹ 5,2% lên 159.125 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – HoSE: SSB) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, với lợi nhuận trước thuế có phần đi lùi so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 2.016 tỷ đồng, giảm gần 30%.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng mặc dù có tăng không đáng kể so với cùng kỳ, đạt hơn 3.303 tỷ đồng, thì hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối mang về lần lượt 365 tỷ và 71 tỷ đồng, giảm tới 52% và 85% so với bán niên 2022.

Thậm chí, hai mảng từ mang lại doanh thu đột biến hồi cuối năm 2022 là chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận sự sụt giảm 3,3% và 74% do diễn biến không mấy khả quan của  thị trường chứng khoán những tháng đầu năm.

Thêm vào đó, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 10% lên hơn 1.683 tỷ đồng. Trong kỳ, SeABank đã giảm khoảng dự phòng rủi ro tín dụng còn 516 tỷ đồng, qua đó lợi nhuận trước thuế trong nửa năm 20223 tại SeABank đã đi lùi tới 30%.

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, năm 2023, nền kinh tế được dự báo sẽ có nhiều biến động nên SeABank định hướng phát triển bền vững, chắc chắn.

Đại hội đồng cổ đông SeABank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, bao gồm: Tổng tài sản tăng 10%; Tăng ròng huy động 18.000 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2022, trong đó ưu tiên tăng trưởng huy động không kỳ hạn (CASA); Tăng ròng tín dụng 16.200 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hơn 5.633 tỷ đồng.  Bên cạnh đó, SeABank cũng sẽ chú trọng quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%.

Như vậy, so với kết quả đạt được, SeABank đã hoàn thành 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm, chưa đạt một nửa kế hoạch ban lãnh đạo đặt ra.

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 245.206 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng tăng nhẹ 5,2% lên 159.125 tỷ đồng. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng nhẹ 5,64%, đạt 144.788 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2023, SeABank cũng đã tiếp nhận thêm nguồn vốn nước ngoài, đến 30/06/2023 tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức quốc tế đạt gần 11.772 tỷ đồng quy đổi, tăng trưởng 26,15% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng cho biết, nguồn vốn huy động này được dùng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của SeABank trong xu hướng đa dạng hóa, toàn cầu hóa nguồn vốn hoạt động.

Tài chính - Ngân hàng - Nợ có khả năng mất vốn của SeABank tiếp tục tăng cao

Chất lượng nợ vay của SeABank (Nguồn: BCTC).

Về chất lượng nợ cho vay, tính đến thời điểm 30/6, nợ xấu tại SeABank tăng nhẹ 13% lên 2.801 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi nghờ lần lượt tăng 19% và 56% so với thời điểm cuối năm 2022, còn nợ có khả năng mất vốn vẫn ghi nhận con số cao nhất 1.913 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,11% so với hồi đầu năm.

Mặc dù vậy, tỉ lệ nợ xấu tại SeABank vẫn ghi nhận mức giảm nhẹ từ 1,54% về 1,76%.

Hồi háng 6/2023, SeABank phát hành 295,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 14,5% để trả cổ tức năm 2022 và phát hành 118.201.732 cổ phiếu thưởng, tương đương tỉ lệ 5,8%.

Sau khi hoàn thành đợt phát hành trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng hơn 4.134 tỷ đồng, từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2023, SeABank dự kiến trong năm nay sẽ tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên tối đa 25.903 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỉ lệ gần 20,3%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỉ lệ hơn 4,6% và phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho Người lao động (ESOP).

PV