Túng quẫn làm liều
Ngày 09/3, TAND Tp.Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thị Thanh Phong (SN 1985; chỗ ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị VKSND cùng cấp truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 BLHS.
Đứng trước bục khai báo, Trần Thị Thanh Phong khai nhận bản thân được tuyển dụng vào làm thư ký kỹ thuật của phòng kỹ thuật – Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý bất động sản TNS Property (gọi tắt là Công ty TNS) có trụ sở tại khu đô thị Gold Mark City, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Phong có nhiệm vụ kiểm kê và lập danh sách các loại vật tư còn thiếu và làm tờ trình lên công ty xin phê duyệt, sau đó Phong sẽ gọi điện đến công ty được chọn để đặt mua vật tư.
Quá trình làm việc, Phong quen biết chị Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1981, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng phát triển Hòa Bình (gọi tắt là Công ty Hòa Bình).
Khai nhận về nguyên nhân phạm tội, bị cáo Phong trình bày trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021, do thiếu tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ nên bị cáo nảy sinh ý định lấy danh nghĩa Công ty TNS để gọi mua hàng của Công ty Hòa Bình rồi bán lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Cụ thể, từ tháng 5/2021 đến tháng 7/2021, Phong sử dụng thủ đoạn gian dối, lợi dụng danh nghĩa Công ty TNS với 14 lần đặt mua hàng tổng số 1.180 mét dây cáp điện các loại và 02 kìm cộng lực trị giá hơn 539 triệu đồng của Công ty Hòa Bình.
Sau khi nhận hàng hóa trên, Phong bán cho người thu mua sắt vụn lấy tiền tiêu xài cá nhân, đến nay chưa trả số tiền trên cho công ty Hòa Binh.
Sự hối hận muộn màng
Gần đến cuối phiên xét xử, giọng nữ bị cáo càng méo mó khi thừa nhận cáo trạng của VKS truy tố mình là không oan. Trình bày về hoàn cảnh gia đình, Trần Thị Thanh Phong rầu rĩ nói bị cáo ly hôn năm 2020, hiện hai con do chồng bị cáo nuôi. Phần vì đứng tên vay tiền ngân hàng để trả tiền nhà, mức lương khoảng 8 triệu đồng/1 tháng không đủ để bị cáo trang trải nợ nần và chi tiêu cá nhân nên bị cáo mới mượn danh nghĩa Công ty TNS mua hàng hóa của công ty Hòa Bình.
Trả lời câu hỏi của HĐXX “Vì sao mua hàng hóa gần 600 triệu đồng mà lại bán rẻ, lấy về có 200 triệu đồng?”, Phong khai rằng “bị cáo tách lấy lõi dây điện để bán phế liệu. Số tiền lấy được, bị cáo chi tiêu cá nhân hết”.
Khi được hỏi bị cáo nhận thức thế nào về sai phạm của bản thân, Phong bật khóc “Bị cáo thấy VKS truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan. Bị cáo đã làm ảnh hưởng tới danh dự gia đình, ảnh hưởng cho người bị hại và cho thanh danh của công ty. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới mẹ…”. Nói tới đây, Phong nghẹn ngào, không nói thành tiếng.
Về phía bị hại, chị Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Công ty Hòa Bình cho biết, trước đó nhiều lần làm ăn với công ty TNS và đều thông qua Phong nên đã tin tưởng xuất hóa đơn hơn 600 triệu đồng. Sơ xuất của chị Hương là tin tưởng Phong mà không có hợp đồng. Đến nay, chị Hương yêu cầu Phong phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà Phong chiếm đoạt của công ty mình.
Về hình phạt, chị Hương có lời xin giảm nhẹ hình phạt cho Phong vì một phần cũng thương cảm trước hoàn cảnh éo le của bị cáo.
Căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo cùng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX cấp sơ thẩm đủ cơ sở kết luận hành vi của Trần Thị Thanh Phong đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức; gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm mất trật tự trị an nên cần thiết phải có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục tội phạm.
Tuy nhiên, quá trình lượng hình xét thấy bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, giá trị tài sản bị cáo chiếm đoạt ở mức khởi điểm nên HĐXX cân nhắc áp dụng mức án thấp nhất của khung hình phạt. Vì các lẽ trên, TAND Tp.Hà Nội xử phạt Trần Thị Thanh Phong 11 năm tù theo đúng tội danh bị VKS truy tố.
Về trách nhiệm dân sự, buộc Phong phải bồi thường hơn 500 triệu đồng cho bị hại.