Mỗi nghề đều có đặc trưng và nỗi vất vả riêng, nghề làm mẹ cũng không ngoại lệ. Và chỉ những ai đã và đang trải qua mới cảm nhận được rõ ràng nhất, để làm tốt nghề làm mẹ quả thực là một chuyện không hề dễ dàng. Nhất là với những người phụ nữ vừa làm mẹ, lại vừa có sự nghiệp riêng nhưng công việc lại không có sự cố định về mặt thời gian, điển hình như tiếp viên hàng không.
Chị Thiều Thanh Liên Hoan (8X, T.p Hồ Chí Minh) gắn bó với công việc tiếp viên từ lúc còn son trẻ, nay chị đã lập gia đình và có một nàng công chúa nhỏ. Vợ chồng chị Thiều Thanh Liên Hoan không chỉ là bạn đời, mà còn là đồng nghiệp của nhau. Những ngày đầu năm Ất Tỵ, cùng lắng nghe những chia sẻ của người đẹp Sài Thành về hành trình làm mẹ của một tiếp viên hàng không, có sự khác biệt như thế nào so với những bà mẹ ngoài kia.
Chị Thiều Thanh Liên Hoan.
Với nhiều người, tiếp viên hàng không không phải là công việc để gắn bó lâu dài, nhất là khi đã làm mẹ. Động lực nào đã giúp chị vẫn tiếp tục hành trình bay của mình?
Động lực lớn nhất giúp tôi tiếp tục hành trình bay chính là niềm đam mê với công việc của mình. Mỗi ngày được cất cánh trên bầu trời, cùng các đồng nghiệp phục vụ hành khách, là điều khiến tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề tiếp viên hàng không, vì đó không chỉ là công việc mà còn là niềm vui và sự cống hiến.
Có mẹ là tiếp viên hàng không, con chị hẳn có những trải nghiệm khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa?
Đối với những trẻ em có bố mẹ làm tiếp viên hàng không, các bé thường phải đối mặt với nhiều thiệt thòi hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Do lịch bay không cố định, các bé thường không có cơ hội ở bên bố mẹ vào những ngày đặc biệt như Lễ Tết. Để bù đắp cho khoảng thời gian xa cách, trong các chuyến bay quốc tế có thời gian nghỉ, tôi thường tranh thủ trò chuyện và hỏi thăm con qua điện thoại. Sau những chuyến bay dài, tôi dành thời gian nghỉ ngơi và bên con, thực hiện những điều mà bé thích.
Tuy nhiên, việc có bố mẹ làm tiếp viên hàng không cũng mang lại những trải nghiệm thú vị cho trẻ. Các bé có cơ hội bay khắp nơi với giá vé ưu đãi cho nhân viên, khám phá văn hóa ẩm thực đa dạng và nhận những món quà nhỏ xinh từ mẹ sau mỗi chuyến bay quốc tế. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển sự tự lập từ nhỏ mà còn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình trưởng thành của chúng.
Công việc tiếp viên hàng không luôn không cố định thời gian, vậy những lúc chị bận rộn thì con sẽ do ai chăm sóc?
Bản thân tôi rất may mắn khi vừa bắt đầu công việc đã được bố mẹ tôi ủng hộ và giúp đỡ, đến khi tôi lập gia đình và sinh con ông bà lại tiếp tục hỗ trợ và chia sẻ việc chăm sóc cháu để vợ chồng tôi yên tâm hoàn thành tốt công việc trên các cabin.
Còn ông xã chị thì sao?
Như tôi đã chia sẻ, chồng tôi vừa là đồng nghiệp vừa là bạn đời nên anh ấy luôn cảm thông và đồng hành cùng tôi trong mọi việc. Anh ấy cũng là một người đàn ông có trách nhiệm nên việc nuôi dạy con hay công việc nhà chúng tôi đều chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi một trong hai bận rộn.
Hồi tưởng lại một chút, con đã đến với chị ra sao?
Tôi luôn tin vào duyên phận, vợ chồng con cái đều là mối nhân duyên tương phùng. Con gái là kết quả tình yêu mà chúng tôi phải trải qua bao khó khăn mới vun đắp được, nên cảm giác lần đầu tiên biết tin mình có thai vẫn là một điều rất kỳ diệu đối với tôi.
Trong gia đình, chị là người vợ, người mẹ như thế nào?
Nhân tố tạo nên một gia đình hạnh phúc ít nhiều cũng phụ thuộc vào vai trò người phụ nữ, nên dù đặc thù công việc không có thời gian cố định tôi vẫn luôn cố gắng thu xếp việc gia đình để chồng tôi yên tâm công tác (vì anh ấy cũng là một tiếp viên hàng không).
Với vai trò vừa là một tiếp viên hàng không vừa là người vợ, tôi luôn đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chồng để xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Còn đối với vai trò là một người mẹ, tôi luôn hết lòng vì con cái, ở bên con như một người bạn, hướng dẫn, động viên khi con cần nên dù một tháng sẽ có những ngày xa con nhưng chúng tôi luôn có một sự gắn kết chặt chẽ.
Chị còn nhớ kỷ niệm nào thú vị trong ngày sinh con không?
Tôi vẫn nhớ ngày hôm đó khi tôi chuyển dạ từ sáng, bác sĩ khám và động viên tôi sẽ sinh thường nên cố gắng tập rặn và thở. Sau đó bác sĩ quay ra nói với cô y tá là tối nay có 1 ca mổ chủ động, họ đã chọn luôn giờ nên ê-kíp canh giờ chuẩn bị cho tốt.
Nào ngờ cuối cùng tình hình tôi khẩn cấp hơn do em bé bị nhau thai quấn cổ, mẹ thì đã cạn ối hơn 24 tiếng nên bác sỹ ưu tiên mổ cho tôi đúng giờ canh của nữsản phụ kia. Giờ nhớ lại tôi vẫn thấy mọi việc đều tùy duyên, và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn khi nghe tiếng khóc đầu đời của con, được thấy và ôm con trên ngực, khoảnh khắc ấy tôi đã khóc vì hạnh phúc.
Hỏi thật, có bao giờ chị cảm thấy ngột ngạt trong suốt hành trình làm mẹ? Nếu có thì chị đã giải toả những áp lực và cảm xúc tiêu cực như thế nào?
Là một người mẹ, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Tuy nhiên việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ dễ dàng, nên tôi cũng có những sai sót không thể tránh khỏi trong suốt hành trình làm một người mẹ.
Và một trong những cách giải quyết hiệu quả nhất của tôi hiện tại là khoảng thời gian được nghỉ ngơi ở nước ngoài, cảm giác khi đến một nơi không ai biết mình, ngồi ở một quán cafe yên tĩnh rồi thưởng thức món ăn mình yêu thích tự nhiên tôi lại quên hết những điều không vui trong lòng, cảm xúc tiêu cực cũng biến mất.
Chị tự tin nhất điều gì ở bản thân khi làm mẹ?
Tôi nghĩ tôi biết cách tạo sự gắn kết giữa 2 mẹ con từ lúc bé còn nhỏ, sự tương tác luôn hiện diện dù có những lúc mẹ cách xa con hơn nửa vòng trái đất. Không chỉ là những cuộc trò chuyện mà còn là cái ôm nhớ nhung, qua những xúc chạm, ánh mắt tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt giữa tôi và con.
Khi nuôi dạy con, chị chú trọng điều gì nhất?
Tôi quan niệm một đứa trẻ có tâm tính tốt và có biểu hiện của sự tử tế, sẽ là một đứa trẻ nên người và thành công, bởi chính sự tử tế giúp trẻ phát triển nhận thức của xã hội và biết cảm thông, chia sẻ với người khác. Nên tôi cũng hướng con tham gia các chương trình thiện nguyện ở trường, hay gia đình tổ chức.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!