Làm thuê mỗi tháng được 10 -12 triệu
Những năm gần đây, có một ngôi làng được biết đến với danh xưng là “thủ phủ” của rác thải nhựa, nơi tất cả các hộ dân đều sống nhờ vào công việc thu gom và tái chế rác. Kinh tế của các hộ gia đình ngày càng được nâng lên, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhưng kéo theo đó lại là những hệ lụy về ô nhiễm môi trường.
Gia đình anh Nguyễn Trí Quý ở thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã có 10 năm làm nghề thu gom và tái chế rác thải nhựa.
Chia sẻ với phóng viên, anh Quý cho hay, so với nghề làm tăm hương truyền thống, từ khi làm công việc này, nguồn thu nhập của gia đình anh cải thiện đáng kể, hơn nữa, còn tạo việc làm cho hơn chục lao động khác trong thôn.
Anh Nguyễn Trí Quý - chủ một xưởng thu gom và tái chế rác thải nhựa tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
“Xưởng nhà tôi mở cách đây hơn 10 năm. Gia đình tôi hiện có khoảng 10-12 nhân công, lương của mỗi nhân công được trả trung bình 10-12 triệu đồng/tháng…” - anh Quý cho biết.
Chi trả cho hơn 10 nhân công với mức lương trung bình từ 10-12 triệu đồng/người, ước tính tổng số tiền là hơn 100 triệu đồng/tháng. Nguồn thu của gia đình anh Nguyễn Trí Quý từ việc tái chế và kinh doanh phế thải nhựa có thể còn cao hơn thế - một con số đáng mơ ước đối với không ít người.
Theo đại diện UBND xã Quảng Phú Cầu, hiện nay, trên địa bàn thôn Xà Cầu, không chỉ có riêng gia đình anh Quý, mà còn có hơn 170 hộ dân trong thôn đang tham gia hoạt động thu gom và tái chế phế liệu.
Công việc tài chế rác thải nhựa thu hút không chỉ người dân trong thôn, mà còn cả người dân ở thôn khác, thậm chí xã khác.
Dù đem đến nguồn lợi nhuận không nhỏ, nhưng tỉ lệ thuận với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Đi trong từng ngõ ngách của thôn, nhà nào nhà nấy, rác thải nhựa được chất cao như núi, xếp tầng tầng lũy lũy như những lô cốt bằng nhựa với đủ loại kích thước, màu sắc…
Theo chị H. (một người lao động từ xã khác đến làm thuê) cho biết, quy trình cơ bản của những chiếc chai nhựa mà chị đang phân loại, sau đó sẽ được rửa sạch, cho vào máy cắt nhỏ thành những mảnh li ti, rồi phơi khô... và được xuất đi.
Rác thải nhựa được chất đống trong các bồn chứa.
Điều đáng nói là tất cả những hoạt động này đều mang tính tự phát theo hộ gia đình nên không hề có một quy trình xử lý chất thải, nước thải nào được áp dụng, rác thải ùn ứ, chất thải xả thẳng xuống nguồn nước như đang “bức tử” cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, những mảnh nhựa li ti theo dòng nước chảy ra các ao, hồ, sông, suối,... tiềm ẩn nguy cơ môi trường sống bị nhiễm vi nhựa là không nhỏ.
Những mảnh nhựa được cắt nhỏ li ti vương vãi khắp nơi, sau đó lại theo nước thải không qua xử lý chảy ra ao, hồ, sông, suối...
Môi trường đang bị tổn hại từng ngày, nhưng khi được hỏi đến, người dân ở đây dường như lại khá thờ ơ với những hệ lụy mà mình có thể gây ra. Một người dân cho biết: “Chúng tôi chưa thấy ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe như mấy căn bệnh ung thư, lao phổi… Mà mình không làm thì hàng xóm người ta cũng làm!”.
Theo ông Trần Văn Tài - Trưởng thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), hoạt động thu gom và tái chế phế liệu của người dân trong thôn cũng chỉ vì… mưu sinh.
“Thực tế thì việc bà con mở xưởng thu gom và tái chế phế liệu như hiện nay cũng chỉ là vì mưu sinh. Thôn chúng tôi nằm ngay gần trung tâm thành phố, bây giờ lại trở thành nơi chính để vận chuyển rác về đây, rồi người dân tái chế để có công ăn việc làm.
Ông Trần Văn Tài - Trưởng thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, bà con làm nghề này cũng chỉ vì sinh kế.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người trong thôn, trong xã, mà mỗi ngày lại có hàng trăm người từ các thôn bạn, xã bạn đến làm công việc phân loại như vậy, cứ đều đặn sáng đến, chiều về” - vị Trưởng thôn cho biết.
Bản thân anh Nguyễn Trí Quý cũng khẳng định: “Trước đây, cũng có một thời gian, chúng tôi được chính quyền địa phương giới thiệu cho những công việc khác, tuy nhiên, thu nhập không được như mong muốn, không đủ để đảm bảo cuộc sống như thế này. Vậy nên, chúng tôi lại quay về với tái chế rác”.
Không yêu cầu trình độ và tay nghề cao, công việc không quá nặng nhọc và quan trọng là thu nhập ở mức khá trong thị trường lao động khiến những “thương gia” làng rác Xà Cầu như cuốn trong vòng xoáy không hồi kết của những bao tải phế liệu nhựa.
Không yêu cầu trình độ và tay nghề cao, công việc không quá nặng nhọc, thu hút nhiều nhân công.
Nhìn trên bản đồ vệ tinh, có thể nhận thấy sự thay đổi đáng báo động ở khu vực làng tái chế rác chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây: Từ một khu vực dân cư thưa thớt đã thay bằng những nhà xưởng san sát với rác thải nhựa ùn ứ, tràn ngập bao tải nilon, những mặt ao, hồ xung quanh cũng biến thành một màu đen kịt.
Những ao hồ bao quanh khu vực thôn Xà Cầu như bị phủ một màu đen kịt vì ô nhiễm. (Hình ảnh cắt từ vệ tinh).
Kỳ vọng ở dự án cụm công nghiệp cho tái chế rác tập trung
Được biết, mặc dù, lực lượng Cảnh sát môi trường và Công an xã Quảng Phú Cầu đã xử phạt hành chính hơn 50 trường hợp về hành vi xả rác, đốt rác, nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Trước thực trạng trên, UBND xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và cải thiện môi trường nơi đây, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc khiến công tác này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Theo chia sẻ của ông Trang Văn Viễn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, thời gian đầu, chính quyền xã đã trích ngân sách để thuê đơn vị vận chuyển đưa rác về nơi tập kết của thành phố để xử lý.
Tuy nhiên, sau này, do ngân sách xã có hạn, nên cả thôn đành chấp nhận “sống chung với rác”.
Ông Trang Văn Viễn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
“Một trong những giải pháp chúng tôi hy vọng sẽ khả thi trong thời gian tới là sau khi xây dựng hoàn thiện 2 dự án cụm công nghiệp mở rộng - đó là Cụm công nghiệp tập trung Cầu Bầu và Xà Cầu, địa phương sẽ vận động đưa các hộ tái chế rác thải vào sản xuất tập trung tại cụm… Hy vọng sẽ cải thiện vấn đề ô nhiễm đã kéo dài hàng chục năm nay” - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu thông tin.
Dù chưa biết khi nào những dự án trên sẽ trở thành hiện thực và liệu có thể đạt hiệu quả như mong đợi hay không, nhưng chắc chắn rất cần những biện pháp để nhanh chóng cải thiện tình trạng ô nhiễm đáng báo động tại xã Quảng Phú Cầu, cũng như tại không ít ngôi làng tái chế rác như hiện nay.
Một góc thôn Xà Cầu với la liệt những bao phế liệu cũng là hình ảnh quen thuộc của không ít ngôi làng tái chế rác tương tự.
Thu gom, phân loại và tái chế rác thải sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi được ứng dụng trong một quy trình quản lý chặt chẽ. Và vấn đề cải thiện ô nhiễm môi trường sẽ vẫn tiếp tục là bài toán nan giải nếu không có những biện pháp đồng bộ ngay từ bây giờ.
Tuệ Linh