Gần 2 năm sau đại dịch Covid-19, thế giới một lần nữa đang chạy đua để ngăn chặn một biến thể virus mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo là “biến thể đáng lo ngại”, AP đưa tin.
Biến thể B.1.1.529, có tên chính thức là Omicron, được cảnh báo có số lượng đột biến "rất cao", lên tới 32 đột biến trong protein gai.
Các nhà khoa học đang chạy đua để xác định mối đe dọa mà biến chủng Omicron với số lượng đột biến “khủng” có thể gây ra, xem xem nó có dễ lây truyền hơn so với biến thể Delta, và liệu nó có thể “né” được các loại vắc-xin hiện có hay không, The Hindu cho biết.
Chủng virus này, lần đầu tiên được ghi nhận ở Nam Phi, đã được tìm thấy ở nước láng giềng Botswana và một số khu vực khác trên thế giới như Bỉ, Hồng Kông (Trung Quốc) và Israel.
Vương quốc Anh hôm 27/11 là nước mới nhất xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron của Covid-19, cả 2 trường hợp đều về từ miền Nam châu Phi, AFP đưa tin.
Cơ quan y tế Hà Lan hôm 27/11 cho biết, họ đã phát hiện 61 trường hợp nhiễm Covid-19 trong số 600 hành khách trên 2 chuyến bay từ Nam Phi hạ cánh xuống Sân bay Schiphol ở Amsterdam hôm 26/11. Họ cũng đang khẩn trương tiến hành xét nghiệm thêm để xem liệu có trường hợp nào trong số 6 ca này nhiễm biến thể mới Omicron hay không.
Hai chuyến bay này tới Hà Lan trước khi Chính phủ nước này tạm dừng lưu thông hàng không với miền Nam châu Phi do lo ngại về biến thể mới Omicron.
Toàn bộ hành khách của các chuyến bay đã được cách ly với các hành khách khác, trong khi những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đang được cách ly tại một khách sạn gần sân bay.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Hà Lan cho biết, phải đến cuối ngày 27/11 mới biết liệu có trường hợp nào trong số các hành khách bị nhiễm loại biến thể mới này hay không.
Thế giới đề cao cảnh giác
Những rủi ro thực tế của biến thể Omicron chưa được hiểu rõ. Nhưng bằng chứng ban đầu cho thấy nó có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể có khả năng lây truyền cao khác, WHO cho biết.
Điều đó có nghĩa là những người đã nhiễm Covid-19 và đã phục hồi có thể tái nhiễm. Có thể phải mất vài tuần để biết liệu các loại vắc-xin hiện tại có kém hiệu quả hơn khi đối phó với biến thể virus mới này hay không.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh giác và đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại đối với các nước ở miền Nam châu Phi và lân cận, gồm Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Botswana, Mozambique, Nam Phi, Quần đảo Seychelles, Malawi và Lesotho.
“Chúng ta phải hành động nhanh chóng và sớm nhất có thể”, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói với các nhà lập pháp.
Anh và các nước EU đã đưa ra các hạn chế đi lại hôm 26/11, trong vòng vài giờ sau khi biết đến biến thể này. Và sau khi xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron liên quan tới khu vực Nam châu Phi, Anh đã thêm 4 quốc gia châu Phi khác vào danh sách hạn chế đi lại - Malawi, Mozambique, Zambia và Angola - có hiệu lực từ 4 giờ sáng GMT (9 giờ 30 IST) Chủ nhật ngày 28/11.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các chuyến bay sẽ phải “tạm dừng cho đến khi chúng tôi hiểu rõ về mối nguy hiểm do biến thể mới này gây ra và những du khách trở về từ khu vực này nên tôn trọng các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt”.
Chính phủ Nhật Bản áp đặt các quy định về kiểm dịch đối với công dân Nhật Bản trở về từ Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Botswana, Nam Phi và Lesotho. Theo đó, những trường hợp này sẽ phải trải qua 10 ngày cách ly và 3 lần xét nghiệm Covid-19 trong khoảng thời gian 10 ngày này.
Nga cũng công bố các hạn chế đi lại, bắt đầu có hiệu lực từ 28/11.
Canada, Ả Rập Xê-út, Thái Lan, Sri Lanka, Iran và Brazil cũng đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Nam Phi và các quốc gia khác ở miền Nam châu Phi.
Hôm 27/11, Australia là nước mới nhất cấm các chuyến bay từ 9 quốc gia ở Nam châu Phi, thắt chặt biên giới một lần nữa để ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron.
Bộ trưởng Y tế Greg Hunt hôm 27/11 thông báo những người không phải là người Australia đã đến Nam Phi, Zimbabwe và một số quốc gia khác trong 2 tuần qua cũng sẽ không được phép xuất cảnh. Trong khi đó, các trường hợp là công dân Australia sẽ phải trải qua đợt kiểm dịch kéo dài 14 ngày có giám sát.
Trong khi một số quốc gia đưa ra các hạn chế đi lại từ hôm thứ Sáu (26/11), chỉ trong vòng vài giờ sau khi biết đến biến thể này, Mỹ phải đợi đến thứ Hai (29/11). Khi được hỏi lý do, Tổng thống Biden chỉ nói: "Bởi vì đó là khuyến nghị đến từ nhóm chuyên gia y tế của tôi".
Nhà Trắng cho biết các cơ quan chính phủ cần thời gian để làm việc với các hãng hàng không và để các biện pháp hạn chế đi lại có hiệu lực.
Omicron vẫn là biến thể “đáng ngờ”
Không có dấu hiệu cho biết ngay lập tức liệu biến thể mới này có khiến bệnh nặng hơn hay không. Cũng như các biến thể khác, một số người bị nhiễm không có triệu chứng, các chuyên gia của Nam Phi cho biết.
“Đó là một biến thể đáng ngờ”, Frank Vandenbroucke, Bộ trưởng Y tế Bỉ, quốc gia thành viên EU đầu tiên ghi nhận một trường hợp của biến thể này, cho biết. “Chúng tôi không biết đó có phải là một biến thể rất nguy hiểm hay không”.
Mặc dù một số thay đổi di truyền có vẻ đáng lo ngại, nhưng vẫn chưa rõ mức độ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà biến thể này gây ra. Một số biến thể trước đó, như biến thể Beta, ban đầu khiến các nhà khoa học quan tâm nhưng không lan rộng.
Các chuyên gia y tế, bao gồm cả WHO, đã cảnh báo không nên phản ứng thái quá trước khi biến thể này được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cả thế giới đang lo lắng sợ hãi điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, khi loại virus nguy hiểm gây ra đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 5 triệu người trên toàn cầu.
Theo Người Đưa Tin