Ông Trump dọa "đòi" lại kênh đào chiến lược, Tổng thống Panama đáp trả đanh thép

Trước thông tin ông Trump dọa sẽ đòi lại kênh đào chiến lược do chi phí qua lại quá đắt đỏ, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã có lời đáp trả đanh thép trong 1 bài phát biểu trước toàn quốc.

"Các khoản phí mà Panama thu thật nực cười, đặc biệt là khi biết đến sự hào phóng phi thường mà Mỹ đã dành cho Panama", trích lời Tổng thống đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 21/12 (giờ Mỹ) vừa qua.

"Sự 'cướp bóc' trắng trợn này đối với đất nước chúng ta sẽ ngay lập tức chấm dứt", ông Trump nhấn mạnh.

Thời gian qua, Panama vẫn tiến hành thu phí đối với tàu thuyền đi qua kênh đào cùng tên nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Khoản phí này thay đổi tùy theo kích thước và mục đích của tàu thuyền, dao động từ thấp nhất 0,5 USD đến cao nhất 300.000 USD.

"Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý, của cử chỉ hào phóng này không được tuân thủ, chúng ta sẽ yêu cầu trả lại toàn bộ kênh đào Panama cho Mỹ và miễn thắc mắc", ông Trump tiếp tục.

kenh-dao-panama-1734939436.png
Tàu chở dầu thô đi qua kênh đào Panama. (Ảnh: Reuters)

Được biết, Mỹ sử dụng kênh đào Panama nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời cũng là nước dành phần lớn nguồn lực để xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập kỷ. Việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời tổng thống Teddy Roosevelt. Vào thời điểm đó, nó được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận năm 1979 dưới thời tổng thống Jimmy Carter. Ông Trump đã cho rằng đây một quyết định tồi tệ.

Trước những lời "đe dọa" của ông Trump về việc đòi lại kênh đào Panama, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino có bài phát biểu trước toàn quốc để đáp trả với những lời đanh thép.

"Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về chúng tôi!", Tổng thống Mulino nói trong video đăng trên mạng xã hội X ngày 22/12.

Trong bài phát biểu này, ông Mulino nhấn mạnh rằng chủ quyền và độc lập của đất nước là "không thể thương lượng" và nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh đào như một phần của "lịch sử đấu tranh và chinh phục không thể đảo ngược".

Tổng thống Mulino tuyên bố rằng, mức giá của kênh đào được thiết lập công khai và minh bạch, có tính đến các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì. Ông nhấn mạnh, kể từ khi kênh đào được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào ngày 31/12/1999, theo Hiệp ước Torrijos-Carter được ký kết năm 1977, không có bất kỳ phản đối hay khiếu nại nào liên quan đến quyền kiểm soát của Panama.

"Các hiệp ước này cũng thiết lập tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào, đảm bảo hoạt động mở và an toàn cho tất cả các quốc gia", ông nói, gọi đây là sự tôn vinh tuyệt vời nhất đối với những người đã chiến đấu vì chủ quyền và phẩm giá của Panama trong các cuộc bạo loạn chống Mỹ năm 1964.

Nhà lãnh đạo khẳng định kênh đào Panama không chịu kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp từ Trung Quốc, EU, Mỹ hay bất kỳ bên nào. "Là người Panama, tôi phản đối bất kỳ điều gì bóp méo thực tế này... Panama tôn trọng các quốc gia khác và yêu cầu được tôn trọng", Tổng thống Mulino nói và cho biết ông vẫn hy vọng có quan hệ tốt đẹp và tôn trọng với chính quyền mới ở Mỹ.

Tổng thống Panama nói thêm rằng kênh đào đã trở thành nguồn tự hào dân tộc mạnh mẽ, được quản lý bởi các chuyên gia đủ tiêu chuẩn của Panama, những người đảm bảo hoạt động an toàn, liên tục, hiệu quả và có lợi nhuận. Kênh đào cũng đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế Panama hàng năm và đóng vai trò là động mạch quan trọng cho thương mại toàn cầu.

Ngọc Bảo (T/h)