Theo Times of India, các bác sĩ ở Bệnh viện thành phố Varanasi (Ấn Độ) đã tiếp nhận ít nhất 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV trong 2 tháng qua. Văn phòng Giám đốc Y tế Varanasi (CMO) xác nhận hai bệnh nhân trên đang điều trị ở bệnh viện tuyến huyện. Cả hai cho biết bản thân không hề truyền máu hay quan hệ tình dục không an toàn, họ nhận kết quả dương tính với HIV sau khi đi xăm hình.
Jayant (tên đã được thay đổi, 20 tuổi, ở Baragaon) xăm hình trên tay tại một hội chợ được tổ chức trong làng. Sức khỏe của Jayant bắt đầu xấu đi sau vài tháng, anh bị sốt cao, yếu, mệt. Bệnh tình của anh không thuyên giảm dù bác sĩ đã áp dụng tất cả các phương pháp điều trị.
Nam thanh niên được bác sĩ khuyên đi xét nghiệm HIV và nhận kết quả dương tính. Jayant không tin kết quả là chính xác, nói với bác sĩ rằng anh vẫn chưa lập gia đình, không phát sinh quan hệ thể xác với ai, cũng chưa từng đi truyền máu. Các bác sĩ sau đó phát hiện hình xăm trên tay của anh và nhận định đây chính là nguyên nhân khiến thanh niên 20 tuổi nhiễm HIV.
Sự việc tương tự xảy đến với người phụ nữ trẻ tên Shefali (tên đã được thay đổi, trú tại Nagwan). Cô được một người bán hàng rong xăm hình. Sau một vài ngày, sức khỏe của cô bắt đầu xấu đi. Các bác sĩ đã thực hiện một loạt xét nghiệm và phát hiện người phụ nữ dương tính với HIV.
Theo Tiến sĩ Preeti Agarwal, bác sĩ cao cấp của trung tâm điều trị kháng virus (ART), Bệnh viện Pt. Deen Dayal Upadhyay, cả hai bệnh nhân nói trên đều không hề biết lý do bản thân nhiễm HIV.
“Hai người đều không quan hệ tình dục không an toàn, không được truyền máu bị nhiễm bệnh. Khi được tư vấn tại trung tâm, họ bắt đầu gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi xăm hình”, Tiến sĩ Preeti Agarwal nói.
Vị chuyên gia này cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do sử dụng kim tiêm bị nhiễm trùng trong quá trình xăm hình. Trên thực tế, cây kim để tạo hình xăm rất đắt, thông thường sẽ bị vứt bỏ sau khi xăm. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí và kiếm được nhiều tiền hơn, có thợ xăm sử dụng cùng một cây kim để xăm hình cho nhiều người.
Tiến sĩ Preeti Agarwal chia sẻ, người đi xăm không ý thức được mối nguy hiểm nói trên, thậm chí không biết liệu thợ xăm đã thay một cây kim mới vào máy hay chưa. Trong tình huống như vậy, nếu một người nhiễm HIV từng xăm bằng cây kim đó, người khác có nguy cơ lây nhiễm do sử dụng cùng kim xăm.
Bà cũng cảnh báo việc xăm hình ở hội chợ, người bán hàng rong hoặc bất kỳ nơi không có giấy phép, không đảm bảo vệ sinh có thể là một thảm họa.
“Trước khi xăm hình, bạn cần phải kiểm tra xem kim mới được thay vào máy hay chưa. Những người mới xăm hình nếu nghi ngờ thì nên đi xét nghiệm HIV sớm để được tiến hành điều trị ngay lập tức”, Tiến sĩ Preeti Agarwal khuyên.