Các nhà nghiên cứu gọi người mẹ 30 tuổi, được chẩn đoán nhiễm HIV từ năm 2013, là “bệnh nhân Esperanza”, theo tên đô thị mà người phụ nữ này sinh sống. Trong tiếng Anh, “esperanza” có nghĩa là “hy vọng”.
Nhóm bác sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) tiết lộ trong cơ thể bệnh nhân này hiện không có virus gây bệnh, mặc dù người bạn trai cũ đã tử vong vì AIDS.
“Tôi đang tận hưởng tình trạng khỏe mạnh. Tôi có một gia đình khỏe mạnh. Tôi không phải dùng thuốc và tôi sống như thể không có chuyện gì xảy ra. Đây thật sự là một đặc ân”, Đài NBC News hôm nay 16/11 dẫn lời bệnh nhân Esperanza cho hay.
Các nhà nghiên cứu cho biết khám phá về “bệnh nhân Esperanza” sẽ giúp mang lại một phương pháp chữa trị tiềm năng gần hơn cho 38 triệu người đang sống chung với căn bệnh gây đại dịch AIDS trên toàn thế giới. Phát hiện này đã được xác nhận trong cuốn tạp chí Annals of Internal Medicine.
Tiến sĩ Xu Yu , nhà nghiên cứu miễn dịch virus tại Viện Ragon ở Boston, người hợp tác với Tiến sĩ Natalia Laufer, một nhà khoa học bác sĩ tại Viện INBIRS ở Buenos Aries, cho biết: “Đây thực sự là điều kỳ diệu của hệ thống miễn dịch của con người".
Tiến sĩ Steven Deeks, một nhà nghiên cứu chữa bệnh HIV nổi tiếng tại Đại học California, San Francisco, người không tham gia nghiên cứu cho biết: “Bây giờ chúng ta phải tìm ra cơ chế. Làm thế nào mà điều này xảy ra? Và làm thế nào chúng ta có thể tổng hợp lại phương pháp trị liệu này cho mọi người?”.
Ngoài ra, trên thế giới chỉ có một người khác cũng có khả năng tự nhiên loại bỏ virus HIV. Câu chuyện của bà Loreen Willenberg lần đầu tiên được tiết lộ vào tháng 8 năm ngoái. Người phụ nữ 67 tuổi ở San Francisco (Mỹ) được chẩn đoán nhiễm HIV cách đây 30 năm.
Thông thường, khi một người bị nhiễm HIV, virus sẽ xâm lấn vào DNA của tế bào miễn dịch của họ và tái sinh sản từ đó. Liệu pháp kháng virus có thể giúp ngăn chặn quá trình mầm bệnh nhân lên nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn HIV trong cơ thể, có nghĩa là mọi người cần phải điều trị hàng ngày để ngăn chặn virus.
Nhưng với tỷ lệ 1/200 bệnh nhân, ở những người tự kiểm soát bệnh, phần lớn virus sẽ xâm lấn vào các phần không hoạt động của bộ gien, được gọi là “sa mạc gien”, không gây hại. Lượng virus còn lại sẽ được hệ miễn dịch của cơ thể loại bỏ.
Theo Người Đưa Tin