Trong vòng hai năm qua, quốc hội Mỹ quyết định chi 6 nghìn tỷ USD từ thuế của người dân nhằm hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và khoản tiền khổng lồ này đã trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo.
Trong một số trường hợp, các nghi phạm đã vay các khoản tiền để hỗ trợ các công ty không tồn tại. Trong một số trường hợp khác, các tổ chức tội phạm lớn, xuyên quốc gia đã đánh cắp danh tính của người lao động để nhận trợ cấp thất nghiệp của họ.
Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 10/3 rằng chính phủ sẽ sử dụng “mọi công cụ hiện có” để phát hiện các hành vi gian lận.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục truy cứu những ai đã lấy tiền hỗ trợ vì lợi ích cá nhân, để bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương và bảo vệ tính toàn vẹn của các chương trình hỗ trợ”.
Tổng thống Joe Biden trong thông điệp liên bang cũng tuyên bố sẽ tìm ra những tội phạm hình sự từng đánh cắp hàng tỷ USD từ khoản tiền hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người dân Mỹ ứng phó với những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Một vụ việc bị phát hiện gần đây nhất là Vinath Oudomsine (31 tuổi, tại quận Nam Georgia, Mỹ) đã bị kết án 36 tháng tù sau khi thừa nhận tội danh lừa đảo để hưởng trợ cấp liên bang.
Oudomsine trước đó nộp đơn xin trợ cấp COVID-19 từ Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ và khai là để kinh doanh "dịch vụ giải trí". Hồ sơ của Oudomsine được phê duyệt và người đàn ông này nhận được khoản vay ưu đãi 85.000 USD.
Oudomsine đã sử dụng 57.789 USD trong khoản hỗ trợ COVID -19 này để mua thẻ bài Pokemon. Các công tố viên sau đó phát hiện anh ta đã khai man trong đơn xin trợ cấp.
Ngoài án tù ba năm, Oudomsine sẽ phải trả lại 85.000 USD, bị phạt 10.000 USD và sẽ bị giám sát ba năm sau khi mãn hạn tù.
"Giống như những con thiêu thân lao vào lửa, những kẻ lừa đảo như Oudomsine đã lợi dụng các chương trình cứu trợ Covid-19 để trục lợi. Chúng tôi đang buộc anh ta và những người có hành động tương tự phải chịu trách nhiệm về lòng tham của mình", công tố viên David H. Estes nói.
Trước đó, năm 2020, tại California, doanh nhân David T. Hines bị phát hiện sử dụng tiền hỗ trợ doanh nghiệp trong Covid-19 để sắm siêu xe, trang sức.
Hiện Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 81 triệu ca nhiễm và hơn 987.000 ca tử vong do COVID-19.
Mộc Miên (Theo New York Times)