“Phó Tổng thống Pence có cùng mối lo ngại về gian lận cử tri và những bất thường trong cuộc bầu cử vừa qua với hàng triệu người Mỹ”, Marc Short, Chánh văn phòng của ông Pence cho biết trong tuyên bố gửi đến The Hill.
“Phó Tổng thống hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hạ viện và Thượng viện trong việc sử dụng thẩm quyền theo luật để phản đối và đưa ra bằng chứng trước Quốc hội và người dân Mỹ vào ngày 6/1”, theo tuyên bố.
Đây là tuyên bố chi tiết nhất mà văn phòng của ông Pence đưa ra về thủ tục ngày 6/1, sau cuộc bỏ phiếu bầu cử Mỹ vừa qua.
Ngày 6/1, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ có phiên họp chung để chứng nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Tuyên bố của ông Pence được đưa ra một ngày sau khi đơn kiện của đảng Cộng hòa tìm cách trao cho phó Tổng thống quyền lật ngược kết quả bầu cử vào ngày 6/1 bị bác bỏ.
Ông Pence sẽ chủ trì cuộc họp vào ngày 6/1, nhưng chỉ có vai trò mang tính hình thức.
Hàng chục hạ nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm và sắp nhậm chức cho biết họ sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn vào ngày 6/1. Hai hạ nghị sĩ Cộng hòa giấu tên nói với CNN rằng khoảng 140 đồng nghiệp của họ sẽ bỏ phiếu chống.
Ngoài ra, một số thượng nghị sĩ cũng cho biết họ sẽ không thông qua kết quả bỏ phiếu. Ông Josh Hawley là nghị sĩ đầu tiên ở Thượng viện nói ông sẽ tham gia vào nỗ lực của các hạ nghị sĩ Cộng hòa.
Bên cạnh đó, ngày 2/1, 11 thượng nghị sĩ, dẫn đầu là ông Ted Cruz, cũng ra tuyên bố chung nói họ sẽ bỏ phiếu chống lại việc chấp nhận kết quả bầu cử, trừ khi các lá phiếu được kiểm lại trong 10 ngày.
Khoảng hai tháng từ sau ngày bầu cử, ông Pence tránh lặp lại các tuyên bố cáo buộc cuộc bầu cử gian lận của Tổng thống Trump. Thay vào đó, Phó Tổng thống kêu gọi mọi “phiếu bầu hợp pháp” phải được kiểm đếm.
Tuy nhiên, ông Pence cũng không công khai ngăn cản những nỗ lực thách thức hoặc lật ngược kết quả bầu cử của Tổng thống và các đồng minh.