Phú Thọ: Đầu độc chồng bất thành, người vợ và nhân tình đối diện mức án nào?

Do thường xuyên bị chồng đánh đập, Lê Thị Xuân đã bàn bạc cùng nhân tình mua thuốc diệt chuột pha vào sữa để đầu độc chồng song người chồng may mắn thoát chết. Xuân và người tình khó thoát vòng lao lý.

Ngày 19/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Thị Xuân (SN 1984, trú tại khu 25, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba) và Lê Đăng Khải (SN 1980, trú tại khu 10, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) về hành vi Giết người .

phu tho dau doc chong bat thanh nguoi vo va nhan tinh doi dien muc an nao

Đối tượng Lê Thị Xuân tại cơ quan công an.

Nạn nhân trong vụ án là anh Quất Văn B., (SN 1985, trú tại khu 25, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Nguyên nhân ban đầu dẫn tới hành vi phạm tội được Xuân khai nhận do mâu thuẫn vợ chồng, người phụ nữ này thường xuyên bị chồng đánh đập. Cũng vì hay tâm sự với Khải nên 2 người có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân.

phu tho dau doc chong bat thanh nguoi vo va nhan tinh doi dien muc an nao 1

Đối tượng Lê Đăng Khải.

Sau khi nghe Xuân tâm sự về cuộc sống gia đình, Khải và Xuân đã bàn bạc mua thuốc diệt chuột để đầu độc anh B. Theo đó, vào chiều ngày 01/4 và sáng ngày 02/4,  Xuân đã 02 lần pha thuốc diệt chuột vào sữa Fami rồi đưa cho chồng uống. Sau đó, anh B. có biểu hiện đi vệ sinh ra máu.

Ngày 05/4, anh B. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu, điều trị. Ngày 14/4, anh Bình ra viện, được Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chuẩn đoán ngộ độc hóa chất diệt chuột. Bị gia đình chồng tra hỏi, Xuân đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Gia đình anh B. đã làm đơn tố cáo với Cơ quan Công an.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Phạm Văn Thuận – thuộc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo Hiến pháp và các quy định hiện hành của pháp luật thì quyền sống là quyền cao quý nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

phu tho dau doc chong bat thanh nguoi vo va nhan tinh doi dien muc an nao 2

Luật sư Phạm Văn Thuận – thuộc Công ty Luật Bảo Tín.

Giết người bằng việc dùng thuốc diệt chuột là một trong những thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Chiếu theo quy định của pháp luật thì những hành vi này sẽ bị xử phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Cụ thể, Luật sư Thuận cho biết: Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì: “Giết người vì động cơ đê hèn là giết người vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc (ví dụ: giết người để cướp vợ hoặc chồng nạn nhân…)”.

“Như vậy, hành vi đầu độc chồng bằng thuốc diệt chuột nêu trên của người vợ cùng nhân tình đối với chồng có dấu hiệu của tội giết người vì động cơ đê hèn. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm q, khoản 1, điều 123 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình”, Luật sư Thuận nói.

Đồng thời, Điều 15 Bộ luật hình sự về “Phạm tội chưa đạt” quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Đối chiếu quy định trên và kết hợp với thực tế vụ việc, có thể thấy hành vi của người vợ trong vụ việc này thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành bởi người vợ đã cố ý thực hiện hành vi cần thiết (pha thuốc diệt chuột vào sữa Fami rồi đưa cho chồng uống 02 lần vào các ngày 01/4 và 02/4) để tước đoạt tính mạng của người chồng. Hậu quả chết người chưa xảy ra là nằm ngoài ý chí của người vợ. Do đó, người vợ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Tiếp đó, Khoản 3, Điều 57 Bộ luật hình sự về “Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt” quy định: “3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Chính vì vậy, trong trường hợp này Luật sư cho rằng: Để đánh giá đúng hành vi có dấu hiệu phạm tội của người vợ cần làm rõ mục đích của người vợ, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, các tình tiết về nhân thân của người phạm tội và kết hợp với quy định của pháp luật tại Điều 15, Điều 57, Điều 123 Bộ luật hình sự và các quy định khác có liên quan để từ đó xác định chính xác trách nhiệm hình sự của người vợ.

“Tuy nhiên, xét đến cùng thì hành vi của người vợ là rất tàn nhẫn, không còn tính người, gây hoang mang, bất bình trong dư luận xã hội, cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, nam Luật sư nhấn mạnh.

Từ thực tế vụ việc này, theo quan điểm của Luật sư, để hạn chế tới mức thấp nhất những vụ việc tương tự xảy ra, trong cuộc sống vợ chồng thì các bên nên tuân thủ đúng quy định của pháp luật về “chế độ hôn nhân một vợ một chồng” cũng như cần sớm chấm dứt việc bạo lực gia đình cũng như các hành vi tương tự.

“Đặc biệt, khi có những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra thì các bên nên ngồi trao đổi thẳng thắn với nhau để cùng tìm ra được tiếng nói chung, hướng giải quyết hiệu quả, triệt để. Đặc biệt, khi các bên nhận thấy quan hệ hôn nhân không thể kéo dài hoặc không còn duy trì được nữa thì nên giải thoát cho nhau bởi cốt lõi của hôn nhân chính là sự tự nguyện giữa các bên”, Luật sư Thuận phát biểu.