QBS của bà Vũ Thị Dương gặp khó khi kinh doanh thua lỗ và nợ xấu “phình to”

Mới đây, công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HoSE: QBS) đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 với kết quả không mấy khả quan. Trong đó, trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi tăng cao đến hơn 140 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình được thành lập năm 2007, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, bán buôn phân bón, hóa chất…

Công ty có trụ sở chính đặt tại số 23 lô 01 khu 97 Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng với mã số thuế 0200730878. Người đại diện là bà Vũ Thị Dương – Chủ tịch HĐQT.

Được biết, bà Vũ Thị Dương được bổ nhiệm nắm giữ chức vụ này từ tháng 7/2022, thay cho bà Nguyễn Thị Thanh Hương đã đệ đơn xin từ nhiệm với lý do cá nhân. Tuy nhiên, từ khi lên chèo lái “con thuyền QBS”, bà Dương luôn phải đối mặt với tình hình kinh doanh thua lỗ và nợ xấu phình to.

Chi phí cao, lợi nhuận giảm

Theo đó, báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 cho thấy, doanh thu thuần của QBS đạt 359,3 tỷ đồng, giá vốn bán hàng ở mức 359,1 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 180 triệu đồng, giảm 58,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt từ 9,6 tỷ đồng lên 139,2 tỷ đồng, trong đó có đến 132,8 tỷ đồng là chi phí dự phòng. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 99,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập khác của là 36,39 tỷ đồng, phần lớn do công ty được miễn giảm tiền lãi vay với Agribank – chi nhánh Bắc Hải Phòng số tiền 36,37 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí khác chiếm 75,2 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận ngoài các hoạt động thông thường của QBS âm 38,8 tỷ đồng.

hieuunganhcom64301530c4704

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của QBS.

Lý giải nguyên nhân kinh doanh thua lỗ trong năm tài chính 2022, QBS cho biết do sự sụt giảm trong lĩnh vực thương mại, đi cùng với việc thu hẹp quy mô hoạt động thông qua thanh lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tài sản cố định… dẫn đến lợi nhuận giảm, đi cùng với đó là sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty trong tương lai.

Trước đó, vào năm 2019, QBS ghi nhận lợi nhuận âm lần đầu tiên kể từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo báo cáo, doanh thu thuần đạt 1.431 tỷ đồng, lỗ ròng 173,1 tỷ đồng. Năm 2020, công ty tiếp tục thua lỗ nặng nề khi doanh thu thuần đạt 1.203 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm 97,2 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, tình hình tài chính của QBS có phần “sáng” hơn khi công ty báo lãi 401 triệu đồng sau thuế, nhưng đây vẫn là con số rất “mỏng” khi đối chiếu với doanh thu thuần 1.529 tỷ đồng.

hieuunganhcom64301596699f6

Kết quả kinh doanh của QBS trong 4 năm gần đây (2019 – 2022).

Theo báo cáo, nợ xấu trong năm 2022 của QBS “phình to” tới hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến khoản nợ phải thu từ các đối tác như công ty Cổ phần Phát triển Phân bón Đình Vũ là 107,3 tỷ đồng; công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế Bình Minh Việt 85,8 tỷ đồng; công ty Cổ phần Thương mại Abavia Việt Nam 37,4 tỷ đồng…

hieuunganhcom643015eb47d2b

Nợ xấu của QBS và khoản dự phòng hơn 140 tỷ đồng.

hieuunganhcom6430164cd3dd0

Văn bản giải trình của QBS gửi đến HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc kinh doanh thua lỗ và số tiền chênh lệch sau kiểm toán BCTC năm 2022.

Trong một diễn biến liên quan, trước kiểm toán, QBS chỉ lỗ 44,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu sau kiểm toán thể hiện công ty âm 138,7 tỷ đồng, chênh lệch hơn 94 tỷ đồng.

“Nguyên nhân do Ban Điều hành Công ty đã đánh giá lại đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán, nên đã trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi với tổng số tiền 94.470.456.096 đồng” – QBS giải trình về vấn đề này trong văn bản gửi đến HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngọc Bảo