Qui định về tạm ứng án phí cho yêu cầu phản tố

Vợ chồng tôi là bị đơn trong một vụ án. Vừa rồi, chúng tôi có đơn phản tố yêu cầu tuyên hợp đồng dân sự vô hiệu. Như vậy cho tôi hỏi, việc tính tiền tạm ứng án phí là tính chung cho vợ chồng tôi hay tính riêng cho từng người?
phan-biet-tien-an-phi-tam-ung-an-phi-va-le-phi-toa-an-015813310120-1633219903.jpg
Ảnh minh họa

Cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi vấn đề cần tư vấn đến Công ty Luật FDVN (“FDVN”). Đối với yêu cầu của Quý khách, sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật, chúng tôi có những thông tin trao đổi như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Khoản 1 Điều 25 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì Bị đơn có yêu cầu phản tố trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí.

Yêu cầu tuyên hợp đồng dân sự vô hiệu thuộc trường hợp vụ án án dân sự không có giá ngạch, mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch (Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14). Mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch hiện nay là 300.000 đồng.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, trường hợp vụ án có nhiều bị đơn mà mỗi bị đơn có yêu cầu phản tố độc lập thì mỗi bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp các bị đơn cùng chung một yêu cầu phản tố thì các bị đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.

Trong trường hợp của Quý khách, vợ chồng Quý khách cùng có chung một yêu cầu phản tố thì vợ chồng Quý khách sẽ nộp chung tiền tạm ứng án phí. Do đó, vợ chồng Quý khách sẽ nộp tiền tạm ứng án phí với mức 300.000 đồng.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Duyên Trần – Công ty Luật FDVN