Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca mắc Covid-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.709 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.050.185 ca, trong đó có 872.053 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (451.113), Bình Dương (245.321), Đồng Nai (79.926), Long An (36.925), Tiền Giang (21.951).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 874.870
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.338 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2.960; Thở oxy dòng cao HFNC: 847; Thở máy không xâm lấn: 126; Thở máy xâm lấn: 394; ECMO: 11
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 82 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.466.573 mẫu cho 64.994.812 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19
Tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm là 102.030.576 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 65.222.953 liều, tiêm mũi 2 là 36.807.623 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca Covid-19 trên toàn cầu là 255.636.527 ca, trong đó có 5.137.264 người tử vong.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 552.717 trường hợp mắc Covid-19 và 7.326 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 255,6 triệu ca, trong đó trên 5,13 triệu người không qua khỏi.
Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 89.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Các nước cũng ghi nhận trên 230 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 78.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 17/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 787.500 ca tử vong trong tổng số trên 48 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 463.600 ca tử vong trong số 34,44 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 611.850 ca tử vong trong số 21,97 triệu ca mắc.
Thêm 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Moderna Mỹ tặng Việt Nam
Ngày 17/11, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo Mỹ vừa tặng thêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 của Hãng dược Moderna cho Việt Nam. Số vaccine này đã về đến Hà Nội.
Thông báo trên mạng xã hội Facebook, Đại sứ quán Mỹ cho biết đến nay Mỹ đã trao hơn 16 triệu liều vaccine cho Việt Nam.
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục chuyển vaccine phòng Covid-19 viện trợ thêm cho Việt Nam. Trước đó, ngày 6/11, 1,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer-BioNTech do Mỹ tặng thông qua cơ chế COVAX đã về tới Hà Nội. Một ngày sau đó (7/11), thêm 1,2 triệu liều Pfizer-BioNTech về đến TP HCM.
Covid-19 trong cộng đồng của các tỉnh miền Tây vẫn tăng
Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong ngày 17/11 thành phố ghi nhận đến 712 ca Covid-19, đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay được phát hiện trong một ngày tại Cần Thơ. Tổng số F0 của TP Cần Thơ đến nay đã vượt 14.000 ca.
Trong 712 ca này, có 194 ca phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng và cơ sở y tế; 257 ca phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà; số còn lại nằm trong khu phong tỏa và cách ly.
Hiện TP Cần Thơ đang điều trị cho 3.025 bệnh nhân, trong đó có 98 bệnh nhân nằm ở tầng 3.
Tiền Giang phát hiện 526 ca Covid-19, trong đó 131 ca cộng đồng, 373 trong khu cách ly và 22 ca khu phong tỏa. Hiện tỉnh đã ghi nhận 22.477 ca Covid-19, đã điều trị khỏi 16.801 ca, tử vong 452 ca.
An Giang ghi nhận 511 ca Covid-19, trong đó có 171 ca cộng đồng, khu cách ly tập trung 198 ca, khu phong tỏa 112 và 28 ca người về từ các tỉnh khác và 2 ca nhập cảnh.
Tỉnh đã tiêm hơn 2,2 triệu liều vaccine; trong đó mũi 1 đạt hơn 95%; mũi 2 hơn 67%. Đồng thời, An Giang cũng đã tiêm hơn 20.000 liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.
Đồng Tháp ghi nhận 489 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, 148 ca trong cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 14.689 ca. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 3.903 ca. Đồng Tháp đã tiêm hơn 1,8 triệu liều vaccine; trong đó mũi 1 là hơn 1,1 liều, đạt 81,37% dân số; tiêm mũi 2 là 718.723 liều, đạt 52,95% dân số.
Tỉnh cũng đã tiêm vaccine cho học sinh các trường THPT đạt hơn 94%...
Sóc Trăng có 399 ca mắc Covid-19, trong đó số ca nhiễm qua truy vết, sàng lọc trong cộng đồng là 244 ca. Tính từ ngày 27/4 đến nay, toàn tỉnh đã có 10.685 ca mắc Covid-19, đã chữa khỏi 7.206 ca. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của Sóc Trăng đạt hơn 91%; mũi 2 đạt hơn 65%.
Bạc Liêu có 323 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đó có 188 ca cộng đồng. Đáng chú ý, trong số 323 ca trên, có 78 ca dưới 18 tuổi.
Ngày 17/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch cách ly điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 không triệu chứng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối tượng được điều trị tại nhà gồm người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở nhỏ hơn hoặc bằng 20 lần/phút, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) lớn hơn hoặc bằng 96% khi thở khí trời, không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè; người đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày...
Điều kiện để được điều trị tại nhà là nhà ở riêng lẻ, nơi cách ly phải có đường để xe ô tô cứu thương đến được; phòng cách ly đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
Bình Phước: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm việc tiêm chủng chậm trễ
Những ngày gần đây, tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang chậm lại, chiều 17/11, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh công tác tiêm vaccine.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, vào ngày 10/11 có 53.000 người trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine, tuy nhiên ngày 15/11 chỉ có 6.100 người được tiêm vaccine (giảm hơn 88%). Đến ngày 16/11, số người được tiêm vaccine đạt 10.000 người, số này vẫn còn thấp so với năng lực tiêm tối đa của tỉnh là 70.000 mũi/ngày.
Theo số liệu cập nhật, tính đến hết ngày 15/11, toàn tỉnh Bình Phước có trên 726.800 người đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 1, đạt 95,6% dân số trên 18 tuổi; trên 426.100 người đã tiêm mũi 2, đạt 56% dân số trên 18 tuổi.
Tuy nhiên những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Bình Phước có chiều hướng tăng. Tính đến chiều 17/11, toàn tỉnh có 3.863 ca mắc Covid-19, trong đó 1.793 ca đang điều trị...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát số liệu dân số từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm mũi 1 và mũi 2; đến ngày 18/11 toàn tỉnh phải tiêm xong mũi 1 và cơ bản hoàn thành mũi 2 trước ngày 25/11, chuẩn bị sẵn sàng tiêm 50.000 liều vaccine cho trẻ từ 12 - 17 tuổi vào ngày 21/11.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đạo các xã, phường, thị trấn, các Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, thôn ấp, khu phố phân công nhiệm vụ cho từng người để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" chưa được tiêm mũi 1 và mũi 2; nắm chắc danh sách và tuyên truyền để người dân thấy rõ những lợi ích khi được tiêm vaccine, chủ động tham gia tiêm chủng.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp vào cuộc, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và theo dõi sát tiến độ tổ chức tiêm chủng cho người dân thuộc địa bàn quản lý; tuyệt đối không được để lãng phí bất cứ liều vaccine nào và phải chịu trách nhiệm trước Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nếu còn để xảy ra chậm trễ trong việc tiêm vaccine.
Theo Sức khỏe Đời sống