Sau gần 10 năm yêu chiều vợ, người đàn ông ở Hà Nội sốc khi phát hiện 2 con không cùng huyết thống

CTV
Sau nhiều năm sống hạnh phúc bên vợ và hai con, anh Minh mới biết bản thân bị vô sinh, không thể có con tự nhiên.

Anh Nguyễn Bình Minh (42 tuổi, ở Hà Nội) hiện là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, còn vợ anh là viên chức nhà nước. Do đặc thù công việc, anh Minh thường xuyên phải đi công tác xa nhà, công việc gia đình đều do một tay chị Thu quán xuyến.

Gần 10 năm chung sống, hai vợ chồng anh Minh đã có hai con, một trai, một gái. Điều kiện kinh tế khá giả, các con ngoan ngoãn, xinh xắn và học giỏi, vì thế cuộc sống của gia đình anh Minh là mơ ước của nhiều người.

Khi các con càng lớn, anh Minh nhận thấy cả hai có nét không giống mình cả về cá tính và ngoại hình. Thêm vào đó, không ít bạn bè thường bông đùa với anh rằng: “Đi công tác thường xuyên, vợ ở nhà người khác chăm mất”. Ban đầu anh cũng chẳng nghĩ nhiều, nhưng càng quan sát và cảm nhận, anh càng thấy những lời nói của mọi người là có cơ sở, vì thế anh quyết định tự mình đi tìm sự thật.

Gần 10 năm chung sống, có với nhau hai con người đàn ông mới biết mình bị vô sinh. Ảnh minh họa. 

Khi lấy mẫu hai con đi xét nghiệm ADN, anh Minh vô cùng bất ngờ khi biết cả hai bé đều không phải là con đẻ của mình. “Tôi thật sự không biết vợ đã phản bội mình lúc nào. Gần 10 năm chung sống với nhau, tôi chưa bao giờ để vợ phải thiếu thốn, vậy mà cuối cùng cả hai đứa con đều không phải con đẻ của tôi”, anh Minh bộc bạch.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm ADN không thể làm giả hay có bất kể sai sót gì, điều đó chứng minh, người vợ này đã có quan hệ ngoài luồng. Tuy nhiên, cũng có thể nguyên nhân do người chồng không có khả năng sinh con (vô sinh), nên người vợ đã bí mật "xin giống" để có con, vì thực tế đã có trường hợp như vậy.

Nhận được lời giải thích, anh Minh tiếp tục đi đến một bệnh viện để thăm khám về khả năng sinh sản. Kết quả cho thấy, người đàn ông này bị bất thường nhiễm sắc thể gây thiểu năng sinh dục và vô sinh (mắc hội chứng Kleinfelte). Cầm kết quả trên tay, anh Minh chỉ biết tự trách mình đã quá tin tưởng vợ, giờ đây chính anh cũng không biết phải đối diện với sự thật này như thế nào.

Người mắc hội chứng Klinefelte thường có bất thường về cơ quan sinh dục, khó có con tự nhiên. Ảnh minh họa. 

Hội chứng Klinefelter là tình trạng bất thường nhiễm sắc thể gây nên thiểu năng sinh dục và vô sinh ở nam giới. Với nam giới bình thường, bộ nhiễm sắc thể sẽ có 46 nhiễm sắc thể với cặp nhiễm sắc thể giới tính là XY. Với nam giới có hội chứng Klinefelter có 2 hoặc nhiều hơn nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể (XXY).

Theo các nghiên cứu, nguồn gốc nhiễm sắc thể bất thường từ bố chiếm khoảng 53%. Với phụ nữ, nếu sinh con tuổi càng cao thì nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể càng lớn. Việc có thêm một nhiễm sắc thể X ở nam sẽ dẫn tới quá trình hyaline hóa và xơ hóa tinh hoàn, giảm khả năng sinh tinh, gây bất thường ở cơ quan sinh dục và vô sinh. Số nhiễm sắc thể X tăng lên kéo theo mức độ tàn tật về trí tuệ và dị tật cũng sẽ tăng lên.

Người mắc hội chứng Klinefelter nếu không được hỗ trợ sinh sản sẽ không thể có con tự nhiên. Hiện phương pháp duy nhất mang lại cơ hội có con cho những người mắc hội chứng này là phẫu thuật Micro TESE tìm tinh trùng và sử dụng tinh trùng đó để làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) với trứng của người vợ.

Ngoài gặp khó khăn trong việc có con, người mắc hội chứng Klinefelter thường không bị ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh hoạt và trưởng thành nên hầu như đều phát hiện muộn, chỉ đến khi kết hôn, chậm có con mới đi khám. Lúc này, chỉ các xét nghiệm chuyên sâu mới phát hiện bất thường nhiễm sắc thể.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi