Đà Nẵng tổ chức thanh tra Trường liên cấp quốc tế Singapore

Thanh tra sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng chính thức thanh tra trường "quốc tế" Singapore. Được biết, nhiều cơ sở giáo dục tự ý gắn thêm mác "quốc tế" để thu hút học sinh.

Ngày 25/9, tin từ Thanh tra sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng, đơn vị vừa tiến hành công bố quyết định thanh tra trường "quốc tế" Singapore tại TP.Đà Nẵng.

Ngôi trường này đóng tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, do chi nhánh công ty CP Kinderworld Việt Nam quản lý, điều hành.

Thanh tra trường "quốc tế" Singapore.

Bà Lê Thị Ngọc Mai, Chánh Thanh tra sở GD&ĐT kiêm phó Trưởng đoàn Thanh tra cho biết, Quyết định số 1412/QĐ-SGDĐT của Giám đốc sở GD&ĐT về việc thanh tra trường "quốc tế" Singapore thì cơ quan chức năng sẽ thanh tra công tác quản lý và tổ chức hoạt động dạy học.

Nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra; quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được quy định tại các Điều: 46, 47, 48, 57, 58 của Luật Thanh tra ngày 15/11/2010.

Theo Quyết định 1412/QĐ-SGDĐT, thời kỳ thanh tra là từ đầu năm học 2018 - 2019 đến thời điểm thanh tra. Trong quá trình thanh tra, nếu có những vấn đề liên quan, đoàn thanh tra sẽ xem xét trước thời kỳ thanh tra để có kết luận chính xác. Thời hạn thanh tra là 15 ngày, kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra. Nếu có phát sinh, đoàn thanh tra sẽ báo để gia hạn.

Lãnh đạo Thanh tra sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, đây là cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được Giám đốc Sở phê duyệt từ đầu năm học 2019 - 2020.

Ở một diễn biến khác có liên quan, trả lời PV, lãnh đạo sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng cung cấp số liệu, hiện địa phương có 207 trường mầm non; 99 trường tiểu học; 20 trường THPT công lập; 13 trường nhiều cấp; 3 trung tâm giáo dục.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, trong các văn bản pháp luật hiện nay, không có quy định nào về trường quốc tế và cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những trường mang danh quốc tế.

Cụ thể, theo Điều 48 của Luật Giáo dục 2005, nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động; Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Điều 47 Luật Giáo dục 2019 cũng quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân: Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non; Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Nhiều cơ sở giáo dục gắn mác "quốc tế" ở TP.Đà Nẵng.

Tại TP. Đà Nẵng có nhiều trường gắn “quốc tế” trong tên trường như: Trường quốc tế Singapore, trường Tiểu học & THCS quốc tế Việt Nam Singapore, trường quốc tế Hoa Kỳ APU, trường quốc tế St.Nicolas... Các trường này đều có vốn đầu tư nước ngoài, có sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài và học sinh đến từ các quốc gia khác. Chương trình nước ngoài này đã được bộ GD&ĐT phê duyệt. Các ngôi trường này thường gắn thêm cụm từ quốc tế, để tạo sự khác biệt nhằm thu hút người học.

Như Người Đưa Tin đã nhiều lần phản ánh, câu chuyện về trường "quốc tế" ở TP.Đà Nẵng đang gây xôn xao dư luận thời gian qua. Trường "quốc tế" Singapore với "lình xình" bị phụ huynh kiện ra tòa vì lạm thu, đơn phương hủy bỏ chương trình học của con...

Lê Nhâm Thân (Người đưa tin)