Sinh 3 con trai bị nói "bất phú", vợ Đăng Khôi trả lời quá thông minh khiến tất cả vỗ tay khen ngợi

Cách trả lời nhẹ nhàng, sâu sắc và nội dung lời đáp của mỹ nhân Việt thực sự khiến nhiều người khâm phục.

Trong xã hội hiện nay, nhiều người quan niệm "con cái là lộc trời cho" nên luôn bằng lòng với những gì mình có nhưng cũng có người lại phải tìm kiếm cho mình những đứa trẻ "hợp miệng nhân gian". Bởi vậy mới có những gia đình mòn mỏi đi tìm con trai, con gái cho "đủ nếp đủ tẻ" hay không vướng phải "tam nam, tứ nữ".

Mới đây, gia đình nam ca sĩ Đăng Khôi và hot mom Thủy Anh cũng nhận về không ít những lời khuyên, thậm chí là mỉa mai sau khi cậu quý tử thứ 3 chào đời.

Cụ thể, vợ chồng Đăng Khôi - Thủy Anh mới đón con trai thứ 3 Nguyễn Đăng Anh Tài, biệt danh là Kai vào tháng 12 năm ngoái. Trước đó cặp cha mẹ đã có 2 con trai Đăng Anh và Đăng Khang.

Cũng kể từ khi công khai giới tính thứ 3, vợ chồng "anh tài" Đăng Khôi thường xuyên nhận về những phản hồi tiêu cực như "tam nam bất phú", "đã làm IVF rồi mà không cho ra được cô con gái"; "đẻ con trai sau này để lại của hồi môn mệt lắm nhỉ", "3 trai phải sinh tiếp, tại 3 không tốt mình thấy rất nhiều, nhà chồng mình 3 trai có 1 anh quậy, nhà bình thường không giàu có gì hết. 4 trai tứ quý mới đẹp"...

Và để mọi người ngừng phán xét cũng như đưa ra thêm lời khuyên không thuận tai về việc con cái, mới đây nàng tiểu thư Hà thành Thủy Anh đã chính thức lên tiếng.

Cô nói: "Thực ra Thủy Anh cũng giống mọi người thôi, cũng muốn đủ nếp đủ tẻ, càng đông con càng vui nhưng em bé Kai đến với mình trong hoàn cảnh tự nhiên. Lúc đó mình không ngờ tới nên nghĩ đây là lộc trời cho. Mình rất hạnh phúc đón nhận.

Ông bà ta thường nói "tam nam bất phú, tứ nữ bất bần". Thời xưa người ta thường quan niệm con trai thường ham chơi hơn, con gái thuần tính hơn. Khi con trai lớn hơn thì phải lo toan nhiều thứ hơn và gia đình dễ khó khăn. Ngược lại con gái chịu thương chịu khó giúp bố mẹ việc nhà, việc đồng áng.

Thời xưa con gái không được đi học nên bố mẹ không phải lo chi phí học hành, đến tuổi lấy chồng thì nhà chồng lo cho con dâu. Nhà gái còn được nhà trai trao tiền lễ cưới hỏi, thế mới có câu tứ nữ bất bần. Nhưng quan niệm này không còn đúng với hiện tại vì thời đại bây giờ chi phí đầu tư cho con gái cũng như con trai, học hành, sự nghiệp, xây dựng gia đình như nhau. Nỗi lo lắng cho các con là như nhau. Bởi vậy dù là trai hay gái, chúng ta cũng cần thời gian chăm sóc và nuôi dạy con nên người".

Bà xã đăng Khôi còn đặc biệt nhấn mạnh "Nếu bố mẹ ưu tiên việc dạy con lên hàng đầu thì sẽ không có đứa trẻ nào hư cả".

Với câu trả lời gãy gọn, đủ ý và chất giọng nhẹ nhàng, dịu dàng, bà xã Đăng Khôi lập tức khiến nhiều người phải vỗ tay khen ngợi. Bên cạnh đó cũng đồng tình với quan điểm của hot mom 3 con.

Trên thực tế đúng như những gì hot mom Vbiz nhấn mạnh, nếu việc nuôi dưỡng và giáo dục được đặt lên hàng đầu sẽ quyết định rất lớn đến sự thành công trong tương lai của những đứa trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc bố mẹ đã tạo cho con cái một nền tảng vững chắc để gặt hái được nhiều thành công hơn.

Chăm sóc con tốt nhưng không can thiệp quá nhiều

Điều đầu tiên bố mẹ nên làm là chăm sóc con thật tốt. Nhưng việc “chăm sóc” ở đây không có nghĩa là làm tất cả mọi việc cho trẻ.

Nhiều bậc bố mẹ vội can thiệp khi con gặp khó khăn. Điều này vô tình khiến trẻ bỏ lỡ cơ hội rèn luyện bản thân và phát triển kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Việc quá bảo bọc có thể dẫn đến tình trạng trẻ không tự tin vào khả năng, cảm thấy không thể đối mặt với thử thách độc lập.

Bố mẹ cần nhận thức rằng quá trình trưởng thành của trẻ bao gồm việc học hỏi từ những thất bại và khó khăn. Khi trẻ đối diện với những thách thức, có cơ hội phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và sự kiên nhẫn.

Những trải nghiệm này giúp trẻ xây dựng lòng tự tin, tạo ra bài học quý giá cho tương lai. Việc bố mẹ can thiệp quá mức có thể làm trẻ cảm thấy không đủ khả năng để tự mình vượt qua thử thách, từ đó tạo ra cảm giác bất an và thiếu tự tin.

Trước khi vội giúp đỡ, hãy đánh giá đơn giản về độ khó của vấn đề. Nếu thực sự đó là điều trẻ không thể tự mình hoàn thành, bố mẹ có thể đưa ra một số hướng dẫn.

Thay vì làm thay trẻ, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình. Ví dụ, nếu trẻ gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà, thay vì ngồi xuống làm bài cho trẻ, bố mẹ có thể hỏi: “Con đã thử cách nào để giải quyết bài này chưa?” hoặc “Con nghĩ mình cần tìm hiểu thêm thông tin từ đâu?”

Khám phá tiềm năng ở trẻ 

Trong xã hội ngày nay, thành tích học tập xuất sắc không còn được xem là lợi thế tuyệt đối. Trẻ cần trau dồi nhiều kỹ năng khác, ở các lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật, thể thao cho đến khả năng giao tiếp và lãnh đạo.

Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng khiến trẻ cảm thấy áp lực phải thể hiện bản thân trong học tập...

Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh riêng. Bố mẹ nên quan sát kỹ để khám phá những đặc điểm  và biến điều này thành lợi thế cho con.

Điều này có nghĩa là bố mẹ cần phải dành thời gian để hiểu rõ về sở thích, đam mê và khả năng của trẻ. Việc nhận diện và khuyến khích điểm mạnh giúp trẻ phát triển tài năng, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự tự tin.

Những lời khen chân thành và đúng lúc có thể tạo ra động lực mạnh mẽ cho trẻ, cảm thấy được công nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, khi khen ngợi, trẻ phải nhận thấy rằng lời khen của người lớn xuất phát từ tấm lòng.

Nếu trẻ cảm thấy lời khen chỉ là chiếu lệ hoặc thiếu chân thành, dễ trở nên nghi ngờ về giá trị của bản thân và không còn tin tưởng vào sự động viên đó.

Đưa ra hướng dẫn, lời khuyên trong cuộc sống 

Bố mẹ là những người gần gũi nhất với con nhất. Trong vai trò này, bố mẹ có trách nhiệm hướng dẫn, là người đồng hành, chia sẻ những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống của trẻ.

Để có thể thực hiện tốt vai trò này, bố mẹ nên thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với con. Hãy tạo ra một môi trường an toàn, nơi trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, khó khăn...

Khi trẻ nhận thấy điều bố mẹ làm hoàn toàn vì lợi ích chung, sẽ dễ dàng chấp nhận lời khuyên và hướng dẫn hơn. Sự tin tưởng này là nền tảng vững chắc cho mọi mối quan hệ. Bố mẹ nên dành thời gian để lắng nghe, tìm hiểu suy nghĩ và cảm xúc, từ đó giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và công nhận. 

Là gia sư của trẻ, bố mẹ không nên quá tùy ý trong cách tiếp cận. Không nên đặt ra những quy định hoặc điều kiện vì cho rằng mình có toàn quyền 100%.

Việc này có thể khiến trẻ cảm thấy bị áp đặt, không có quyền tự quyết trong cuộc sống của mình. Thay vào đó, bố mẹ nên xem trẻ như những cá nhân độc lập, với những suy nghĩ và ước mơ riêng. Nhằm phát triển tư duy độc lập và khả năng tự giải quyết vấn đề.

Cùng con đối mặt với những khó khăn trong quá trình trưởng thành

Người lớn cũng có tuổi thơ riêng. Nghĩ lại, lớn lên chúng ta có gặp phải nhiều vấn đề không? Những ký ức về tuổi thơ thường gắn liền với thách thức, từ việc thích nghi với môi trường học tập mới, xây dựng mối quan hệ bạn bè cho đến những cảm xúc phức tạp như sự cô đơn, lo lắng và áp lực từ bố mẹ.

Những trải nghiệm này đã hình thành nên chúng ta, và giờ đây, khi trở thành bố mẹ, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn mà các con đang phải đối mặt.

Trẻ em cũng cần một người bạn để chia sẻ những nỗi lo gàng. Khi đối diện với những vấn đề như áp lực học hành, mối quan hệ bạn bè rạn nứt,... trẻ cần biết rằng mình không đơn độc. Lúc này, bố mẹ đóng vai trò là đối tác khi con gặp phải những vấn đề. Thay vì đơn thuần đưa ra lời khuyên hay chỉ trích, bố mẹ nên cùng con đối mặt và thảo luận các chiến lược đối phó.

Việc này giúp trẻ cảm thấy được hỗ trợ, tạo ra không gian an toàn để trẻ bày tỏ những lo lắng và cảm xúc. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ chia sẻ những suy nghĩ mà không sợ bị phán xét. Hãy lắng nghe một cách chân thành và thể hiện sự đồng cảm, giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và hiểu rõ hơn về chính bản thân mình.

CHI CHI