Sở GD&ĐT Sóc Trăng: Hiệu quả sử dụng ngân sách thế nào khi đấu thầu tiền tỷ, tiết kiệm 0 đồng?

Với 16 gói thầu, tổng giá trị 62,4 tỷ đồng nhưng số tiền chủ đầu tư sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tiết kiệm được cho ngân sách chỉ vỏn vẹn hơn 174 triệu đồng. Thực trạng đấu thầu tiền tỷ, tiết kiệm tiền triệu thành “điệp khúc” nhiều năm và có gói không tiết kiệm được đồng nào.

Luật Đấu thầu 2013 (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV nhất trí thông qua với nhiều quy định mới nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, mang lại môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong đấu thầu.

Đáng chú ý, trong công tác đấu thầu, ngoài việc lựa chọn được nhà thầu chất lượng thì chủ đầu tư cũng cần có trách nhiệm tiết giảm cho ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hoặc ngân sách của cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Quá trình nghiên cứu luật Đấu thầu sửa đổi cũng như việc thực hiện pháp luật về đấu thầu ở nhiều đơn vị sở, ngành, PV nhận thấy có thực trạng tiết kiệm “nhỏ giọt”. Điều này có nghĩa là sau quá trình đấu thầu, số tiền tiết kiệm được rất ít khiến trách nhiệm tiết giảm ngân sách của các chủ đầu tư khó bảo đảm.

picture3

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng là chủ đầu tư của nhiều gói thầu có giá trị tiết kiệm rất thấp. Ảnh: http://soctrang.edu.vn/

Có thể dẫn dụ trường hợp của sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho thực trạng này, khi PV nghiên cứu ngẫu nhiên 16 gói thầu giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng tiền tiết kiệm chỉ tính bằng “bạc triệu”.

picture4

Bảng thống kê cho thấy, ở các gói thầu do PV lựa chọn ngẫu nhiên thì tỉ lệ tiết kiệm đều loanh quanh sát mức 0 đồng.

Gần đây nhất, từ khoảng tháng 11/2022 đến tháng 4/2023, Sở này tổ chức thực hiện 4 gói thầu thi công xây dựng công trình có giá trị từ 4 đến hơn 8 tỷ đồng, thế nhưng số tiền tiết kiệm chỉ vài chục triệu đồng. Điều này dẫn đến tỉ lệ tiết kiệm không gói nào đạt quá 0,3% (chi tiết các gói số thứ tự từ 1-4 trong bảng).

Kết quả mở thầu cho thấy, 3/4 gói thầu này chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu. Thực trạng này lặp lại ở gói thầu khác như gói tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Anh; gói chỉnh lý tài liệu tồn đọng.

Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chủ đầu tư cũng như khó đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu khi nhà thầu không có “đối thủ”.

Bên cạnh đó, có nhiều gói thầu khác cũng tỉ lệ tiết kiệm rất khiêm tốn, chỉ loanh quanh mức 0 đồng như gói thầu tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Anh và gói mua sắm thiết bị (số thứ tự 6+7 trong bảng) giá trị 8-9 tỷ đồng nhưng tiết kiệm được 28 triệu đồng, tỉ lệ đạt 0,3%;

Gói mua sắm thiết bị tập trung 2,8 tỷ đồng, tiết kiệm 9 triệu đồng; gói mua sắm đồ chơi 4,7 tỷ đồng tiết kiệm 3,3 triệu đồng; gói mua sắm ti vi màu led 1,5 tỷ đồng tiết kiệm 1,8 triệu đồng; gói mua sắm máy tính 2,7 tỷ đồng tiết kiệm 3,1 triệu đồng; gói mua sắm thiết bị phòng học ngoại ngữ hơn 1,1 tỷ đồng, tiết kiệm 737,5 nghìn đồng…

Có 2 gói tỉ lệ tiết kiệm bằng 0 đồng là Cung cấp, lắp đặt thiết bị máy tính + phòng lab.

Liên quan đến vấn đề tỉ lệ tiết kiệm thấp trong các gói thầu, từng trao đổi với phóng viên, luật sư Mai Quốc Việt, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nhìn nhận: “Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp rất có khả năng có các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Nếu tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu thấp, hiệu quả kinh tế không cao do phát sinh từ việc vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì đây là hành động cần lên án và phải bị xử lý”.

Đồng tình, luật sư Dương Văn Phúc (công ty Luật TNHH MTV FDVN) bình luận: “Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng tồn tại các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước”.

Quang Thiện