Sống nơm nớp cạnh những người tâm thần ngoài cộng đồng

Huế là một thành phố du lịch, việc trên đường phố xuất hiện những người tâm thần lang thang có hành vi phản cảm là điều không nên để xảy ra.

Hôm qua (17/7), vụ án đối tượng bị tâm thần Trần Văn L. (trú thôn Ra Lốc - A Sốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) ra tay giết hại mẹ mình là bà Hồ Thị X. (52 tuổi) đã thật sự gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng người tâm thần sống ngoài xã hội hành hung, phá hoại tài sản và giết người ở nhiều địa phương nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng.

 

An ninh - Hình sự - Sống nơm nớp cạnh những người tâm thần ngoài cộng đồng

CLIP: Chị Ngô Lê Phương Nhi, trú ở TP.Huế bị một đối tượng tâm thần ném đá tấn công

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định ai, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội. Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Và vấn đề ngăn chặn các hành vi phạm tội do người tâm thần gây ra, hoặc truy cứu trách nhiệm khi người tâm thần gây án, hay bồi thường thiệt hại cho nạn nhân lại là những câu hỏi không dễ đưa ra lời giải đáp.  

Chia sẻ với PV, chị Ngô Lê Phương Nhi, trú ở phường Phước Vĩnh, TP.Huế cho biết, đến bây giờ, vẫn chưa hết bàng hoàng lo sợ khi bị một đối tượng tâm thần ném vật thể cứng vào người khi chị đang làm việc tại shop thời trang trên đường Đoàn Hữu Trưng, TP.Huế.

Theo chị Nhi, đối tượng này thường xuyên qua lại tuyến đường Đoàn Hữu Trưng, gây mất an ninh trật tự và có dấu hiệu không ổn định về tinh thần.

“Sự việc xảy ra vào hồi tháng 6/2022, thường thì người này chỉ đi qua đi về trước shop. Không hiểu vì sao hôm đó lại cúi xuống nhặt đá rồi ném mạnh vào người tôi, may mà né kịp, không thì ảnh hưởng đến tính mạng rồi.”, chị Nhi nói trong sợ hãi.

Qua tìm hiểu, đối tượng tâm thần này sống cùng mẹ ở phường Phước Vĩnh. Do không có kinh phí đưa đi điều trị nên gia đình vẫn cứ để con ở nhà và hằng ngày đi lang thang ngoài đường.

An ninh - Hình sự - Sống nơm nớp cạnh những người tâm thần ngoài cộng đồng (Hình 2).

Một đối tượng tâm thần lang thang trên đường phố ở Huế.

“Người này đã nhiều lần đập phá trong ngõ, ngoài phố và còn quấy rối trong nhà thờ, khiến người dân sống xung quanh rất lo sợ, cũng như phiền phức”, ông Nguyễn Văn Định, người dân ở phường Phước Vĩnh cho biết.

Liên quan đến những người tâm thần lang thang trên địa bàn, bà Đỗ Lê Hải Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Vĩnh thông tin, những trường hợp tâm thần tiền sử do bệnh lý, chính quyền cũng đã rà soát, thống kê và làm các thủ tục liên quan đến chế độ chính sách và  thủ tục đưa đi điều trị. Tuy nhiên, có những trường hợp điều trị xong rồi tái lại, gia đình lại không phối hợp với chính quyền địa phương để đưa đi điều trị.

 

An ninh - Hình sự - Sống nơm nớp cạnh những người tâm thần ngoài cộng đồng (Hình 3).

CLIP: Người dân gửi phản ánh đến Hue-S về hành vi phản cảm, nguy hiểm của một người tâm thần lang thang ngoài cộng đồng

Đây chỉ là một trong nhiều đối tượng có dấu hiệu tâm thần sống tại cộng đồng nhưng không có sự giám sát, quản lý chặt chẽ. Trên thực tế, ở Thừa Thiên-Huế, qua phần mềm Hue-S của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh này nhiều người dân đã từng phản ánh về việc người tâm thần lang thang ngoài cộng đồng có những hành vi như: chặn xe người đi đường, mang theo hung khí, xin tiền, chửi bới người dân, du khách… gây mất trật tự và mỹ quan đô thị.

Huế là một thành phố du lịch, hằng ngày có hàng trăm, có khi hàng nghìn du khách tìm về tham quan, việc trên đường phố xuất hiện những người tâm thần lang thang và có những hành vi phản cảm, nguy hiểm là điều không nên xảy ra.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh, việc quản lý những người tâm thần lang thang ngoài cộng đồng cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của xã hội, đặc biệt là tại một địa phương như Huế - một thành phố du lịch thì cần được quan tâm hơn.

“Hiện các đối tượng lang thang có yếu tố bị tâm thần, địa phương đã tiến hành phân loại và đưa vào các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện tâm thần với những điều kiện chăm sóc tốt hơn. Bên cạnh đó, còn giao sở LĐ&TBXH phải có những chính sách để quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng này được chăm sóc tốt nhất và hoà nhập cộng đồng trong điều kiện có thể”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ.