Tà Năng – Phan Dũng cung đường trekking “đẹp như mơ” nhưng đầy rẫy sự nguy hiểm

Sự việc nam thanh niên mất tích 8 ngày khi leo Tà Năng - Phan Dũng, được tìm thấy khi đã tử vong khiến nhiều người thương xót. Sự việc này một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự cẩn trọng khi đi du lịch bụi.

Tà Năng - Phan Dũng được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Cung đường đẹp nhưng cũng đầy nguy hiểm

Tà Năng - Phan Dũng được những người yêu thích du lịch khám phá mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, nối từ xã Tà Năng (thuộc Lâm Đồng) sang Phan Dũng (Bình Thuận). Cung đường này có tổng chiều dài khoảng 55km, được bao bọc bởi rừng, núi và những con suối hoang sơ, tuyệt đẹp.

Tuy nhiên, Tà Năng - Phan Dũng là cung đường rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bởi tính chất địa hình đồi núi. Những người muốn trekking cung này cần chuẩn bị tâm lý, sức khỏe cũng như tập hợp một nhóm ăn ý. Ngoài việc phải băng rừng, leo đèo, bạn còn phải vượt suối, di chuyển từ độ cao 1.100 m xuống 500 m so với mực nước biển.

Cung đường Tà Năng - Phan Dũng rất được giới phượt thủ yêu thích, thường đi trekking vào các dịp cuối tuần. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Vào mùa khô, Tà Năng nhuốm màu cỏ cháy. Đến con suối cũng yên ả, hiền hòa. Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, Tà Năng thay da đổi thịt. Tiết trời dịu đi. Màu xanh của lá ngút tầm mắt. Tuy nhiên, cùng với đó là những nguy hiểm tiềm tàng. Đây cũng là thách thức rất lớn cho những bạn trẻ muốn được chinh phục cung đường mạo hiểm này.

Vào mùa mưa, đường đi khó khăn hơn do trơn, trượt. Bên cạnh đó, nếu mưa lớn, nước lũ có thể về rất nhanh nên người dẫn đoàn phải là người cực kỳ kinh nghiệm. Thông thường, các nhóm trekking có thể chọn chinh phục cung Tà Năng - Phan Dũng trong 2-3 ngày và cần chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết để duy trì sự sống cũng như sinh tồn trong những ngày đó.

Những con dốc ở Tà Năng - Phan Dũng. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Đường đi chủ yếu có lối mòn, tuy nhiên rất dễ lạc do nhiều điểm rẽ lung tung. Nếu không nắm vững địa hình và bản đồ khu vực này, người trekking sẽ dễ đi sai đường. Những đoạn qua rừng Phan Dũng (Bình Thuận) dễ đi nhưng cũng dễ lạc, vì đường mòn không rõ ràng do cây cỏ che phủ gần hết.

Do đó, yếu tố đầu tiên khi phát hiện bị lạc là phải giữ bình tĩnh, định hình lại những đoạn đường vừa đi qua, đi ngược lại điểm xuất phát. Người bị lạc cũng nên để lại dấu hiệu để những người đi tìm biết.

Hành trang chuẩn bị khi trekking Tà Năng - Phan Dũng

Để chinh phục cung này thường mất hết 3 ngày 2 đêm. Ảnh: Nguyễn Trường Giang

Cung đường này rất khó đi và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thể lực cùng sự chuẩn bị kỹ càng. Bạn nên liên hệ kiểm lâm khu vực Phan Dũng hoặc Tà Năng để biết được các thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi lên đường.

Thông thường mọi người thường bắt chuyến xe Sài Gòn- Đà Lạt, lưu ý tài xế cho dừng lại ở ngã ba Tà Hine (Đức Trọng - Lâm Đồng). Sau đó thuê xe ôm vào bìa rừng ở thôn Toa Cát (xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng).

Để chinh phục cung này thường mất hết 3 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm. Nếu bạn chọn từ Tà Năng đi thẳng xuống rừng Phan Dũng thường mất 2 ngày 1 đêm (tình từ bìa rừng), hoặc chọn từ Tà Năng đi xuống thác YaLy rồi xuống Phan Dũng thường mất 3 ngày 2 đêm.

Sau khi đến bìa rừng Phan Dũng, bắt xe ôm hoặc đi bộ đến Ủy ban nhân dân xã Phan Dũng (Huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Từ xã Phan Dũng bắt taxi về thị trấn Liên Hương (Bình Thuận) và từ đây bắt xe về Sài Gòn.

Thông thường mỗi thành viên trong đoàn phải khuân vác không dưới 15kg hành lý, gồm cả vật dụng cá nhân, lều trại, thức ăn, đồ uống… cho hành trình dự kiến 2 ngày 1 đêm (với dân ít đi trekking có thể mất 3 ngày 2 đêm để hoàn thành cung đường).

Một số lưu ý khi đi trekking tại Tà Năng – Phan Dũng

- Thời tiết, trang phục: Từ tháng 5 trở đi, sau 14h trời thường mưa, vì vậy cần chuẩn bị áo mưa cho người và balo. Buổi trưa trời nắng, còn về khuya lại khá lạnh nên cần mang áo khoác dài tay, khăn rằn vừa chống nắng vừa chống lạnh.

- Thức ăn, nước uống: Đây là cung đường từ 3 ngày trở lên, người leo núi cần chuẩn bị thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng nhưng gọn nhẹ. Ngày thứ 2 trekking trên những đồi trọc không có suối, cần chuẩn bị nước uống đầy đủ, ít nhất 3 lít nước.

- Lều trại: khu vực hạ trại là đồi trọc nên gió thổi khá mạnh, cần chuẩn bị cọc cắm lều chắc chắn.

- Túi y tế: Rừng rậm có nhiều bò sát như rắn, bò cạp; nhiều côn trùng - nhất là ong vò vẽ cực độc.

Thu Hằng tổng hợp