Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành: Lắm đất vẫn bị "bêu" tên nợ thuế 30 tỷ

Từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam cùng với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta, Tân Mai Group khiến không ít người bất ngờ khi bị Cục Thuế Đồng Nai "bêu" tên vì nợ thuế 30 tỷ.

lam-dat-nhu-tan-mai-group-van-bi-beu-ten-vi-no-thue-dspl-1616396982.png

Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành nợ hàng chục tỷ tiền thuế. Ảnh minh họa

Theo công bố mới nhất của cục Thuế Đồng Nai, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group, địa chỉ tại đường số 11, KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa, Đồng Nai) của đại gia Lê Thành đang nợ 36,87 tỷ đồng tiền thuế tính tới hết ngày 28/2/2021.

Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hoá đơn. Số thuế Tân Mai Group đang nợ tăng hơn 6 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.

Đáng chú ý, Tân Mai Group đã được xướng tên trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà cơ quan thuế công bố từ năm 2015 tới nay.

Theo đó, năm 2019, doanh nghiệp này nợ khoảng 32 tỷ đồng; năm 2018 nợ trên 60 tỷ đồng, tháng 6/2017 nợ trên 47 tỷ đồng; tháng 12/2016 nợ hơn 51 tỷ đồng; tháng 12/2015 nợ trên 63,7 tỷ đồng.

Tân Mai Group tiền thân là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam, thành lập năm 1958, thuộc sở hữu nhà nước, cổ phần hoá năm 2006.

Tháng 12/2008, tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty CP Giấy Tân Mai và Công ty CP Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890,9 tỷ đồng.

Tháng 12/2019, đại gia Lê Thành đã mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, tương đương tỷ lệ sử hữu 61,47% trở thành cổ đông lớn. Tháng 1/2020, ông Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tân Mai Group nhiệm kỳ 2020-2024.

Nói về đại gia Lê Thành, ông chủ Tân Mai Group còn đứng tên tại một số pháp nhân như CTCP Codona Thế kỷ 21 (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Mây); Công ty TNHH Organic Life; CTCP Đầu tư Nông Trường Xanh; CTCP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và CTCP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest).

Ông Thành hiện đang tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Đầu tư Tân Thành Long An (KCN Việt Phát).

Ngoài cá nhân sở hữu cổ phần chi phối là ông Lê Thành, Tổng Cty Giấy Việt Nam đang nắm giữ 22,73% cổ phần của Tập đoàn Tân mai, Nhà xuất bản Giáo dục giữ 8,1% cổ phần và cổ đông khác nắm 7,43% cổ phần.

Tân Mai từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam cùng với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta.

Tân Mai Group đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, việc trồng rừng và khai thác lâm nghiệp của công ty cũng gặp nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp của vị đại gia sinh năm 1974 cũng thực hiện hợp tác đầu tư khai thác lâm nghiệp và các dự án bất động sản dựa trên quỹ đất “khủng” mà công ty sở hữu tại nhiều địa phương.

Điểm chung tại phần lớn dự án này là việc Tân Mai Group tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên danh, trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.

Bạch Hiền (T/h)

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật