Thân phận “ Dâu quay” và những đám cưới xuyên biên giới sặc mùi kim tiền Bài 2: Gập ghềnh đường hồi hương của cô dâu "hờ"

Theo tìm hiểu của PV, hiện hàng triệu đàn ông Trung Quốc trong độ tuổi kết hôn chưa tìm được bạn đời. Vì thế, ngày càng nhiều người ra nước ngoài tìm vợ, phần lớn họ tìm đến phụ nữ Việt Nam. “Có cung ắt có cầu” - Đó cũng là nguồn cơn cho những kẻ mượn danh “bà mối”, se duyên bằng những cuộc hôn nhân chóng vánh dưới thân phận “dâu quay”...

“Bà mối” dạy cách qua mặt... nhà chồng

Như tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật thông tin, hiện trên mạng xã hội có không ít hội nhóm công khai tư vấn xuất ngoại kết hôn với nhiều hình thức biến tướng. Bản thân PV khi nhập vai “cô dâu” đã được “bà mối” chấm điểm từ ngay lần gặp đầu tiên vì dáng người “mỏng mày hay hạt”. Theo lời của môi giới Nguyễn H. (sống ở Hà Nội), đàn ông Trung Quốc sẽ rất thích những cô gái nhanh nhẹn, ưa nhìn như nữ PV.

PV đặt câu hỏi: “Có bạn nào muốn ra mà không được không chị? Nếu lỡ họ phát hiện ra thì biết phải làm sao?”, “bà mối” H. đáp: “Trường hợp đó ít lắm, với những trường hợp chị từng làm thì chưa có rủi ro nào”.

Mặc dù vậy, H. vẫn đưa ra tình huống may rủi để ai chấp nhận dấn thân có 1 khoản tiền sẽ “tùy cơ ứng biến” và đưa ra quyết định. H. bảo rằng: “Em cứ hình dung, bây giờ sang đó em sẽ làm đám cưới thật với người ta. Em về nhà chồng rồi thì họ cũng muốn em hòa nhập nhanh và rất quan tâm đến em. Tất nhiên, khi mới về, người ta sẽ không cho em dùng điện thoại vì sợ em trốn. Vì thế, em phải giấu kỹ điện thoại rồi tắt nguồn đi, chỉ khi nào muốn nói chuyện với chị thì lấy ra (em có thể trốn vào nhà vệ sinh hay nơi nào an toàn-PV). Ở nhà chồng, em không được cầm điện thoại, nếu họ nhìn thấy sẽ thu mất và em không thể liên lạc được với chị. Tất nhiên khi đó, cơ hội trở về nước của em sẽ bị thu hẹp lại”.

Bà mối H. chia sẻ về cách làm “dâu quay”

Nhắc nhở chúng tôi “nhất cử, nhất động” phải cẩn thận, H. kể: “Hôm trước, có đứa mang điện thoại giắt vào cạp quần, do sơ ý bị rơi ra, nhà chồng phát hiện được rất tức giận. May mà nó nhanh trí nói dối, điện thoại không kết nối mạng được nên nhà chồng nó cho dùng. Rơi vào gia đình dễ tính nên nó cũng đã làm “dâu quay” thành công, đã trở về. Với trường hợp khác, họ sẽ thu hoặc đuổi trả về và đòi lại tiền”.

Mường tượng ra cảnh cô dâu tim đập, chân run vì bại lộ thân phận mà PV sởn gai ốc bởi thực tế cũng đã có không ít cô gái phải trả giá đắt vì không nghe lời nhà chồng.

Để lấy lòng “nhà chồng”, theo lời H., PV phải nhập vai chân thật và chiều chuộng chồng mới cưới để họ không nghi ngờ. “Nếu em tỏ ra ngoan ngoãn, họ sẽ mua cho em 1 chiếc điện thoại và chạy phần mềm tiếng Việt để tiện giao tiếp (em hình dung như google dịch của mình-PV)”, H. nói.

Việc tuyển chọn “dâu ngắn hạn” hay “dâu quay” cho rể tại Trung Quốc

diễn ra thường xuyên trên mạng xã hội

Theo lời H., người phụ nữ này gần như không “xuất đầu lộ diện” mà do người khác đảm nhiệm. H. chỉ tiếp nhận người ở phía bên kia biên giới và thực hiện các thủ tục “dẫn dâu” về nhà chồng.

Giải thích lý do vì sao nhận lời gặp mặt PV, “bà mối” H. cho hay, vì thấy chúng tôi nhút nhát, phân vân nhiều quá nên mới gặp trực tiếp để “nói có sách, mách có chứng” cho PV yên tâm… “gửi phận” cho chàng rể "chưa biết mày ngang mũi dọc" ở bên kia biên giới.

Cũng theo lời H., bình thường các cô gái xác định đi làm “dâu quay” gặp mặt H. là đi luôn chứ không đắn đo như chúng tôi. “Em cứ suy nghĩ kỹ, đi ngày nào cũng được vì sẽ có người đón. Em có thể chọn làm “dâu quay” đi tối đa chỉ 15 ngày quay đầu, đi ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng. Chị nói thật, đa phần các bạn đã từng đi đều chọn làm “dâu quay” thôi. Giờ làm gì mà kiếm được nhiều tiền và nhanh như thế?”, H. khua môi múa mép.

Nói về hành trình xuất ngoại làm dâu, theo lời “bà mối” H., nếu PV chấp thuận, ngày 2/7 sẽ đón ở Hà Nội và đi theo lối mở tại Móng Cái (Quảng Ninh).

“Đến Móng Cái, chúng ta đi theo đường sông và có thuyền đón”, H. nói. Khi PV gặng hỏi: “Mùng 2 này, có bạn nào đi cùng em hay không, em đi một mình cũng hơi sợ”. Ngay lập tức H. nói: “Chị không chú tâm đưa người sang làm dâu đợt này. Chị sang có việc ở bên đó nên nếu em muốn đi chị trực tiếp đưa đi, không thì thôi. Lần này, chị đi công chuyện khác và đưa người vào các xưởng làm việc cho người Trung Quốc, bình thường có người khác dẫn đi”.

“Của hồi môn” chia đôi, rủi ro “cô dâu” chịu!

Sở dĩ trong các hội nhóm có khái niệm “dâu quay” là vì những cô gái nhập vai chỉ mất 10-15 ngày là có thể trở về nước và có tiền thù lao. Không những thế, theo cách tiếp thị của H., sau khi thực hiện trót lọt đám cưới xuyên biên giới, ngay sau đó nếu có nhu cầu “tái xuất”, H. sẽ sắp xếp cho PV ở lại đất khách và sau 1 tuần, nếu có “cửa” thì sẽ làm đám cưới mới.

Như kỳ trước PV đề cập, theo thỏa thuận, nếu thực hiện trót lọt mỗi thương vụ làm dâu xứ người, “cô dâu” sẽ được chia tiền “hoa hồng” 40 triệu đồng. Tuy nhiên, với thỏa thuận miệng như vậy, ai sẽ đảm bảo những cô gái mang phận cô dâu sẽ được hưởng đủ số tiền đó và không gặp rủi ro?

“Em đừng phân vân nhiều, đã đi là có tiền. Khi nào tiền đổ về tài khoản của chị, chị nhắn cho em là ok thì em mới đi. Khi đó, em nhắn số tài khoản của người nhà em cho chị rồi chị chuyển cho em không phải lo gì. Người nhà em chụp ảnh xác nhận, em không lọ bị lừa gì cả”, Nguyễn H. trấn an chúng tôi.

Cũng theo lời H., có nhiều gia đình ở Trung Quốc giàu có, khi về làm dâu, các cô gái được chiều chuộng và cho rất nhiều tiền nên không muốn hồi hương. “Chỉ sợ sang bên đó rồi, gia đình nhà người ta đối đãi tử tế, em lại bảo không muốn về mà thôi. Em muốn ở lại trọn đời, chị cũng không ngăn cản. Nếu có vấn đề gì bất trắc hoặc em muốn về thì liên lạc lại với chị, chị thu xếp người đón”, H. vẽ viễn cảnh tươi sáng hơn cảnh làm “dâu quay” kiếm tiền “hoa hồng”.

Theo thỏa thuận, khi “tẩu thoát” khỏi “nhà chồng”, theo lời H. “cô dâu” phải tìm mọi cách “khoắng” được số tài sản có giá trị mang về và tỷ lệ ăn chia 50:50. Nếu không thực hiện đúng cam kết thì “cô dâu” tự tìm đường về, nếu gặp rủi ro tự chịu. (Còn nữa)

Nhóm PV/NDT