Thành phố đầu tiên xin hỗ trợ 500 tỷ để "giữ chân" nhân viên y tế

Trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, Sở Y tế Tp.HCM kiến nghị TP hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng để nhằm "tạo sinh khí, giữ chân nhân viên y tế".

Nhân viên y tế nghỉ nhiều do lương thấp, áp lực lớn?

Hiện tượng một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch Covid-19 đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cả nước có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Theo số liệu trong năm 2021 và nửa năm 2022, có 5% nhân lực y tế của Tp.HCM nghỉ việc trong bối cảnh TP đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch, thiếu thuốc và vật tư y tế.

Trước đó vào ngày 6/7, Sở Y tế Tp.HCM cho biết,TP đang đứng trước 3 nguy cơ lớn: Dịch chồng dịch; thiếu thuốc, vật tư y tế; thiếu hụt nhân lực y tế công lập.

Theo thống kê của Sở Y tế TP, trong 11/2021, có 968 nhân viên y tế nghỉ việc, phần lớn là điều dưỡng và bác sỹ ở trạm y tế phường, xã.

Ba tháng đầu năm 2022, có thêm 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt không chỉ gây ra việc xáo trộn về nhân sự mà còn ảnh hưởng đến năng lực khám chữa bệnh của ngành y tế công.

Trao đổi với TTXVN, anh B.L, nhân viên y tế làm việc tại một trạm y tế ở huyện Bình Chánh đã nộp đơn xin nghỉ việc sau gần 4 năm gắn bó với nghề. Theo anh L, ngoài áp lực công việc đi sớm về muộn, gần 4 năm qua, thu nhập của anh chỉ ở mức 5,5-6 triệu đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống gia đình.

Tương tự, chị L.P, kỹ thuật viên gây mê làm việc tại Bệnh viện Tp.Thủ Đức đã chính thức nghỉ việc từ đầu tháng 3/2022 do công việc vất vả, trực đêm nhiều, không có thời gian lo cho gia đình, thu nhập lại giảm tới 40% so với trước đây.

Làm gì để giữ chân nhân viên y tế?

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, chính sách vẫn chưa tương xứng cho các nhân viên y tế. Đơn cử, với một bác sỹ mới ra trường và hành nghề (6 năm học đại học và 18 tháng thực hành), lương khởi điểm vẫn chỉ bằng người học 4 năm.

Ngoài vấn đề lương bổng vô cùng quan trọng, các lãnh đạo bệnh viện cần tạo môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao, giảng dạy và nghiên cứu… để giữ chân nhân viên y tế.

Do đó, ngành y tế thành phố đang thử nghiệm chương trình lắng nghe và trao đổi nhằm kịp thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn và đề xuất của các nhân viên y tế. Việc trao đổi này được thực hiện theo từng nhóm đối tượng cụ thể, đầu tiên là điều dưỡng, bác sỹ, hộ lý… đặc biệt không có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị nơi nhân viên y tế làm việc.

Mở đầu cho sáng kiến này, Sở Y tế TP đã tổ chức 2 buổi lắng nghe với 12 điều dưỡng trưởng của Bệnh viện huyện Củ Chi và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương qua hình thức trực tuyến.

Tại các cuộc gặp, nhiều chủ đề được đưa ra bàn luận như môi trường làm việc; thu nhập, tiền lương; công việc, cơ hội được đào tạo, thăng tiến và mối quan hệ với lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp…

Thời gian tới, dự kiến hàng tuần sẽ tổ chức lắng nghe, trao đổi với nhân viên y tế và mở rộng thêm nhiều đối tượng như: Các trưởng, phó khoa, phòng, bác sỹ... thuộc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thành phố. Ngoài nhân viên y tế, Sở Y tế sẽ đối thoại với người bệnh xuất viện để ghi nhận ý kiến về chất lượng điều trị của các bệnh viện và thái độ của nhân viên y tế khi thăm khám.

Ông Tăng Chí Thượng khẳng định từ việc đối thoại, sở sẽ lắng nghe để từ đó điều chỉnh những điều chưa tốt; đồng thời đề ra các giải pháp nhằm tạo động lực cho nhân viên y tế gắn bó với đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Trước đó tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân Tp.HCM khóa X ngày 7/4 đã thông qua chính sách đặc thù giúp củng cố nâng cao năng lực trạm y tế trên địa bàn. Qua tính toán, địa phương dự trù mỗi năm chi khoảng 138 tỷ đồng để thực hiện các chính sách này, thí điểm đến hết năm 2025.

Về mức hỗ trợ cụ thể, bác sỹ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ nhận 60 triệu đồng trong 18 tháng, điều dưỡng và hộ sinh nhận 30 triệu đồng trong 9 tháng.

Nhân viên y tế về hưu có chuyên môn bác sỹ tham gia các Trạm Y tế hưởng lương 9 triệu đồng/tháng, người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ Cao đẳng trở lên hoặc Trung cấp y sỹ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Tp.HCM hỗ trợ nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế 5,5 triệu đồng/tháng.

Phân tích về những chính sách y tế nhằm nâng cao chất lượng, tạo nguồn lực cho y tế cơ sở của TP, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược Tp.HCM cho rằng, trạm y tế cần được nâng cao vị thế trong mắt người dân cũng như trong chính ngành y tế bằng việc được nâng cao tay nghề, mở rộng danh mục kỹ thuật… Từ đó, y tế cơ sở tạo được niềm tin của người dân, trong khi đó nhân viên có nguồn thu nhập tốt, tay nghề cũng được nâng cao.

Trong bối cảnh trên, ngành y tế Tp.HCM vừa có đề án với nhiều chính sách giữ chân, thu hút nhân lực tuyến y tế cơ sở như: Hỗ trợ thu nhập, đề xuất điều chỉnh biên chế ở trạm dựa trên quy mô dân số chứ không theo địa giới hành chính vì có những phường xã rất đông dân, nếu 5-10 nhân viên theo quy định sẽ không thể đáp ứng. Thành phốcũng kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng, được hỗ trợ với mức 1,5 lần lương tối thiểu.

Sự kiện - Thành phố đầu tiên xin hỗ trợ 500 tỷ để 'giữ chân' nhân viên y tếNhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN.

Trao đổi với Vnexpress, PGS Phong Lan cho biết, những đề xuất này rất thực tế và quan trọng, cần sớm được thông qua để nhanh chóng củng cố và phát huy hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở - tuyến đầu có nhiệm vụ "gác cổng" và là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, khi dịch bệnh.

"Nhưng đây là vấn đề Tp.HCM không thể tự mình thay đổi được mà cần các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương ủng hộ về các quy trình, thủ tục, tài chính, cơ chế... Về lâu dài phải có chính sách của Chính phủ. Không để xảy ra tình trạng đang dịch bệnh thì tăng tuyển dụng, đãi ngộ, sau đó lại cho nghỉ việc, cắt giảm biên chế", bà Lan nói.

Giám đốc Sở xin hỗ trợ hơn 500 tỷ để giữ chân nhân viên y tế

Thông tin trên Vietnamnet, để giữ chân nhân viên y tế, mới đây Sở Y tế Tp.HCM kiến nghị TP hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng để chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03, nhằm "tạo sinh khí, giữ chân nhân viên y tế".

Cụ thể chiều 14/10, Sở Y tế Tp.HCM tổ chức sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2022 và các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Tại đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP tóm tắt 7 thách thức lớn của ngành sau Covid-19.

“Những khó khăn này tồn tại từ lâu nhưng chúng ta gồng được. Dịch Covid-19 khiến khó khăn càng rõ hơn. Nói theo chuyên môn y tế, đây là giai đoạn sốc bất phục hồi nếu không có biện pháp điều trị”, ông Thượng bày tỏ.

Theo đó, khó khăn đầu tiên là một số bệnh viện, cơ sở y tế không có nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 03 (chi thu nhập tăng thêm). Ông Thượng cho biết, có những bệnh viện, trung tâm, trạm y tế chưa nhận được thu nhập tăng thêm từ đầu năm đến này.

"Đây là nỗi khó khăn cho nhân viên y tế, là một nguyên nhân trực tiếp khiến ngày càng nhiều người nghỉ việc".

Sở Y tế kiến nghị UBND TP hỗ trợ 209 tỷ đồng từ ngân sách để các bệnh viện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 trong năm nay (với các bệnh viện mà nhân viên chưa được hưởng).

Đồng thời, kiến nghị mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03, bao gồm tất cả viên chức, người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao và theo đề án vị trí việc làm. Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện là 305 tỷ đồng.

“Con số này không nhỏ, khoảng 500 tỷ, nhưng để giữ chân và tạo sinh khí làm việc cho nhân viên y tế, việc này cần được giải quyết”, ông Thượng tâm tư.

Thứ hai, nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng tăng. Mới 9 tháng của năm 2022, y tế Thành phố có trên 1.000 nhân viên nghỉ việc (tương đương số lượng của cả năm 2021).

Trong đó, đáng lo ngại là điều dưỡng nghỉ rất nhiều khiến một số khoa ghi nhận hiện tượng bác sĩ nhiều hơn điều dưỡng. Tình trạng này rất hiếm xảy ra nhưng đang có xu hướng phổ biến. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, theo dõi người bệnh. Nhân sự mới tuyển dụng lại không đủ bù đắp số đã nghỉ.

Thứ ba, các trạm y tế chưa thu hút được người dân khám chữa bệnh ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc của trạm chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Thứ tư, bệnh viện công lập gặp khó trong cung cấp dịch vụ tiện ích phục vụ cho người bệnh như bãi giữ xe, căn tin. Trước đây, bệnh viện chỉ cần xin ý kiến Sở Y tế để thực hiện. Nhưng nay, bệnh viện phải chờ Sở Tài chính và UBND TP phê duyệt. Hiện chỉ có Bệnh viện Từ Dũ được phê duyệt.

Thứ năm, người dân mắc các bệnh tâm thần, truyền nhiễm, chấn thương gặp khó khăn khi thăm khám, điều trị. Lý do là Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới, kéo dài rất nhiều năm qua. Hậu quả là người bệnh chịu thiệt thòi.

Thứ sáu, tình hình tự chủ tài chính của các bệnh viện càng lúc càng khó khăn. Hiện nay, số lượt khám chưa phục hồi, một số bệnh viện mất cân đối thu chi, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa.

Thứ bảy, nhiều bệnh viện chưa được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí vượt tổng mức thanh toán. Điều này làm cho tình trạng mất cân đối thu chi của các bệnh viện càng lúc càng tăng, làm tăng thời gian giải quyết công nợ.

“Một số bệnh viện sa vào cảnh nợ nần kéo dài, rất khó cho các giám đốc bệnh viện nhỏ, đặc biệt là các bệnh viện nhỏ”.

Ông Thượng cho hay, 7 khó khăn này tồn tại từ lâu nhưng ngành y tế TP gồng được. Dịch Covid-19 khiến các vấn đề rõ hơn và vượt sức, vượt tầm. Sở Y tế Tp.HCM đã đưa ra những kiến nghị về mặt chính sách, cơ chế để khắc phục tận gốc những thách thức trên, gửi đến lãnh đạo TP và Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM.