Thấy con 6 tuổi đau mắt, mẹ lấy sữa nhỏ ngay vào thì điều này xảy ra

CTV
Con gái 6 tháng tuổi bị đau mắt đỏ, đáng lẽ phải đưa đến bệnh viện khám và điều trị, chị Hương đã nghe lời hàng xóm lấy sữa mẹ nhỏ vào mắt con nhằm trị bệnh. Chị không ngờ, hậu quả con gái phải nhận quá nặng.

Tự trị bệnh cho con theo lời hàng xóm

Chị Nguyễn Ngọc Lan Hương (25 tuổi) đang có con gái 6 tháng tuổi vừa chia sẻ câu chuyện “hối hận thì đã muộn” của mình lên một hội nhóm dành cho cha mẹ có con nhỏ. Chị kể, mới đây, con gái chị bị đau mắt đỏ, đáng lẽ phải đưa con đến cơ sở y tế khám và điều trị thì chị nghe người hàng xóm mách: dùng sữa mẹ nhỏ trực tiếp vào mắt trẻ sẽ nhanh khỏi. Tin lời, chị Hương đã làm theo.

Kết quả, một tuần sau, mắt con gái chị Hương sưng phù. Vợ chồng chị đưa con đến khám tại bệnh viện địa phương thì bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, mắt con gái chị bị hoại tử nặng , không thể ghép gác mạc, phải khoét bỏ và lắp mắt giả.

Dù đã được khuyến cáo từ lâu, hiện nay vẫn có nhiều người dùng sữa mẹ nhỏ mắt cho con. (Ảnh minh họa)

“Tôi có thể cứu chữa bằng cách nào khác cho con không. Nếu buộc phải lắp mắt giả, con có đau đớn và ảnh hưởng tới sức khỏe không?”, chị Hương vừa hối hận vừa lo lắng.

Chịa sẻ của chị Hương được nhiều thành viên trong nhóm thông cảm nhưng cũng khiến không ít người giận giữ. Trong đó, có nhiều người kể từng “bị” người nhà, người quen và hàng xóm chỉ cho bí quyết, lấy sữa mẹ nhỏ vào mắt con để chữa bệnh về mắt hay để mắt con sau này sẽ sáng và đẹp hơn. May mắn, họ đã không làm theo. “Tôi đã phải cãi nhau với mẹ chồng để phản đối nhỏ sữa mẹ vào mắt con”, một người mẹ chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thấy thật xót xa khi đọc được chia sẻ của chị Hương. Theo bác sĩ Sang, sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sữa mẹ nếu nhỏ vào mắt - vào tai… trẻ nhỏ thì là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho vi trùng phát triển và tự làm hại con.

“Viêm kết mạc ở trẻ con, cứ nhỏ nước muối sinh lý thôi. Sau 1-2 ngày con không đỡ, cha mẹ cần đưa con đi khám xem bác sĩ có đổi thuốc nhỏ mắt kháng sinh không. Ngoài ra đừng nhỏ bất kỳ gì vào mắt con”, bác sĩ Sang khuyến cáo.

Nhỏ sữa mẹ vào mắt con là phản khoa học

ThS.BS Lê Việt Sơn, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết từng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi 16 ngày tuổi có nguy cơ loét thủng giác mạc hai mắt cũng do mẹ dùng sữa nhỏ vào mắt con.

Người mẹ kể, 3 ngày sau sinh, thấy mắt con nhiều ghèn, chị đã nhờ bác sĩ kê nước muối sinh lý và một lọ thuốc điều trị đau mắt cho bé. Sau 7 ngày nhỏ thuốc, mắt con vẫn sưng phù nề, có nhiều ghèn, không mở được, nên chị đã nhỏ 3-4 giọt sữa mẹ vào mắt con mỗi ngày theo lời một người quen mách. Tuy nhiên, sau hai ngày nhỏ sữa, mắt em bé sưng to, chảy mủ trong mắt nên gia đình phải đưa đi bệnh viện khám.

Em bé 16 ngày tuổi có nguy cơ loét, thủng giác mạc vì mẹ dùng sữa mẹ nhỏ vào mắt con. Ảnh: BSCC.

Các bác sĩ chẩn đoán, mắt bệnh nhi không thể tự mở, có dấu hiệu loét, thủng giác mạc. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do nhiễm trùng nặng và có diễn biến ngày càng tăng vì gia đình trị bệnh sai cách.

Bác sĩ Sơn khẳng định, nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ để chữa bệnh về mắt hay làm tăng sức đề kháng cho mắt là không có cơ sở khoa học. “Trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất, kháng thể tốt cho cơ thể bé, nhưng nó chỉ phát huy hiệu quả khi mẹ cho bé bú đúng cách. Sữa mẹ không có tác dụng đối với việc tiêu diệt vi khuẩn trong mắt”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Hơn nữa, sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất là môi trường “lý tưởng” giúp vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, nếu nhỏ vào mắt con làm tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công, khiến bé dễ mắc các bệnh về mắt. Đối với những trẻ đang bị các bệnh về mắt, khi nhỏ sữa mẹ sẽ vô tình làm cho bệnh trở nặng hơn, dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy hiểm nhất là làm giảm thị lực của bé.

Để chăm sóc mắt an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo:

+ Trẻ sau khi sinh thường đọng nhiều dịch xung quanh mắt, mẹ nên dùng nước muối sinh lý 0,9% vệ sinh mắt cho bé.

+ Thường xuyên cắt móng tay, vệ sinh tay bé sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng hay tổn thương mắt vì trẻ thường có thói quen giụi, gãi mắt.

+ Vệ sinh đồ chơi và không cho con dùng đồ chơi sắc nhọn.

+ Khi mắt trẻ có dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

+ Trước khi dùng một loại thuốc hay bất kỳ kinh nghiệm gì để điều trị bệnh cho trẻ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.

* Tên người mẹ đã thay đổi.