Chênh lệch giá cao
Đấu thầu là quá trình lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp… nhằm bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định cụ thể như Luật Đấu thầu, các luật liên quan đến đấu thầu như Luật Giá, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết... Tuy nhiên, theo nghiên cứu tìm hiểu, tình trạng giá thiết bị trong các gói thầu mua sắm công cao hơn rất nhiều giá thị trường cũng như giá nhập khẩu đang diễn ra vô cùng bất cập, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước.
dau thau qua mang2909090118
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Đơn cử như Gói thầu: Mua sắm được phê duyệt theo Quyết định số 503 cho công ty TNHH MTV trúng thầu với giá 14 tỷ đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước sau đấu thầu đạt tỉ lệ 2,1%.
Trong gói thầu này, máy in xách tay Canon có đơn giá là 11.200.000 đồng. Nhưng khảo sát thị trường mặt hàng này, các báo giá PV nhận được với cùng model, xuất xứ, kí mã hiệu dao động trong khoảng 6.900.000 đồng - 7.500.000 đồng/chiếc. Số tiền chênh lệch là hàng tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo tài liệu phóng viên có được, dòng máy in có giá nhập khẩu về Việt Nam dao động khoảng 6.139.944 đồng - 6.393.982 đồng/chiếc.
Cần nói rõ thêm rằng, sản phẩm mà PV khảo sát thị trường đều từ các đơn vị uy tín, có báo giá dấu đỏ, thông số kỹ thuật, hãng máy, xuất xứ, model chính hãng, có tem, kiểm định đầy đủ và tất cả đều trùng khớp với yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm tại chương V, E-Hồ sơ mời thầu mà chủ đầu tư đưa ra.
Giá sản phẩm cũng đã bao gồm VAT, chi phí vận chuyển, lắp đặt toàn quốc, bảo hành, bảo trì theo hãng sản xuất.
Chủ đầu tư nói gì?
Để rộng đường dư luận, PV Đời sống và Pháp luật đã liên hệ phía chủ đầu tư của gói thầu kể trên.
Đơn vị này cho biết, việc thực hiện tổ chức đấu thầu các gói thầu đã tuân thủ đúng và đầy đủ các trình tự, quy định của văn bản pháp lý có liên quan. Quá trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện công khai, minh bạch với hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, không có bất kỳ sự hạn chế nào đối với các nhà thầu mong muốn tham gia.
Liên quan đến giá cả các mặt hàng, chủ đầu tư thông tin: “Trong thời gian tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu, tình hình lãi suất và biến động tỷ giá (so với đồng USD) trên thế giới và Việt Nam rất lớn dẫn đến giá tất cả các hàng hóa và linh kiện sản xuất hàng hóa đều có sự biến động tăng giá rất mạnh (từ 5% đến 25%, cá biệt tăng giá đến 30%). Đặc biệt là các hàng hóa được sản xuất ở những nước có sự biến động tỷ giá lớn. Điều này không chỉ kéo theo giá cả hàng hóa mà cả dịch vụ kèm theo (vận chuyển, bảo hiểm…) đều đồng loạt tăng giá…”.
“Giá công bố của các đơn vị trên thị trường hiện nay đều là giá bán thân máy và chưa có pin. Đây cũng là mặt hàng chỉ được tiêu thụ với số lượng ít, không phổ thông. Do đó, nếu mua với số lượng tương tự thì không có sẵn hàng tại Việt Nam và đều phải chờ thực hiện nhập khẩu từ nước ngoài…”, văn bản nêu.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát giá trên thị trường, PV được các đơn vị cung cấp cho hay, dòng máy in trong năm 2022 không có sự biến động nhiều về giá. Thời gian khảo sát và nhận được báo giá của PV trùng với thời điểm gói thầu được phê duyệt. Ngay trong báo giá có dấu đỏ của đơn vị cung cấp hàng chính hãng cũng ghi rõ máy kèm theo pin.
Còn giá của các đơn vị nhập khẩu mà PV tham khảo làm cơ sở so sánh trong bài viết là thời điểm gần với thời điểm thực hiện gói thầu nêu trên. Trong các file giá nhập khẩu mặt hàng này đều ghi rõ dòng chữ “máy kèm theo pin”.
Khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng sẽ không có chuyện nâng khống giá thiết bị để trục lợi ngân sách trong công tác đấu thầu mua sắm. Bởi có thể thấy một điều hiển nhiên là giá thành mỗi sản phẩm cao hay thấp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố ví dụ như hãng sản xuất, chi phí bảo trì, bảo dưỡng, vận chuyển, lắp đặt…
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ. Điều này không những minh bạch thông tin trước dư luận, mà còn tránh điều tiếng cho chủ đầu tư và các đơn vị thẩm định giá.
Từng trao đổi với phóng viên về vấn đề đội giá mua sắm trong các gói thầu, luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, nếu có căn cứ cho thấy giá hàng hoá trong hồ sơ mời thầu cao hơn giá thị trường cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan, đặc biệt là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu.
“Để xảy ra trường hợp “đội giá” thì rõ ràng đơn vị thẩm định đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước thì phải quy kết trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị có vi phạm”, luật sư Kiên nhấn mạnh.
Vị luật sư cho biết thêm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định thêm tội danh mới liên quan tới lĩnh vực này. Cụ thể, Điều 222 có nội dung quy định, người nào gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể khởi tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.