Chia sẻ với chúng tôi thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng, muốn xây dựng được mô hình giáo dục hạnh phúc thì trước tiên phải có những thầy cô hạnh phúc. Thầy cô phải thực sự yêu nghề, yêu thương và tôn trọng học sinh; luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và sẵn sàng làm tất cả những điều tốt nhất cho học sinh của mình. Khi hạnh phúc của thầy cô được lan tỏa đến học sinh, học sinh cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Theo thầy Nguyễn Duy Khánh, thầy cô muốn học trò của mình cảm nhận được hạnh phúc trong mỗi buổi đến trường thì phải có phương pháp giúp học trò cảm nhận việc học thật sự thoải mái, không bị áp lực bởi điểm số, thành tích nhưng vẫn giúp các em có động lực khám phá tri thức, không ngừng vươn lên để hoàn thiện bản thân và chinh phục mục tiêu của mình. Các em đến trường không chỉ học kiến thức để đạt được những điểm số cao, mà còn học làm người và trau dồi những kỹ năng cần thiết cho quá trình trưởng thành về sau.
Thầy Khánh cũng cho biết, giáo dục hạnh phúc cần xuất phát từ đội ngũ nhà giáo, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý phải là những người tiên phong thay đổi vì học trò. Hạt nhân của “giáo dục hạnh phúc” là “học sinh hạnh phúc”. Tức là tạo được môi trường giáo dục mà ở đó học sinh cảm thấy hạnh phúc trong học tập và trong cuộc sống. Niềm hạnh phúc ấy được thể hiện khi học sinh được yêu thương, được chia sẻ, được định hướng phát triển tối đa năng lực riêng biệt của bản thân mình và luôn khát khao được đến lớp mỗi ngày.
Gắn liền tình yêu nghề với yêu trẻ, thầy Khánh tâm sự: “Học trò cũng như con cái với những tính cách khác nhau nên không thể áp dụng chung một phương pháp giảng dạy. Giáo viên phải kích thích sự sáng tạo của trò thông qua nhiều phương pháp tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực”.
Với môn Sinh học, hiện tượng học sinh học tủ, học theo mẫu không hiếm. Là giáo viên, thầy Khánh thường định hướng cho học sinh cách tham khảo tài liệu nhưng không học thuộc. Từ đó, trò sẽ hình thành kỹ năng phát hiện vấn đề, thể hiện quan điểm cá nhân. Để như vậy, trước hết việc giảng dạy không nên bó hẹp bởi thầy đọc, trò chép.
“Với hạt nhân là “học sinh hạnh phúc”, tôi muốn nhấn mạnh tới các thành tố quan trọng khác xung quanh đó là “trường học hạnh phúc”, “bạn bè hạnh phúc”, “thầy cô hạnh phúc”, “cha mẹ hạnh phúc”. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng giúp học sinh có thể tiếp thu kiến thức nền tảng để thích nghi với môi trường xã hội hiện đại, đồng thời vẫn hiểu bản thân mong muốn gì và cần có những kỹ năng nào để tham gia và đóng góp, cống hiến cho xã hội, cộng đồng”, thầy Khánh tâm niệm.
Từ lâu ngành Giáo dục đã có khẩu hiệu thiết thực mà thầy cô nào bước vào giảng đường sư phạm đều thuộc lòng, đó là: kỷ cương - tình thương - trách nhiệm. Mô hình giáo dục hạnh phúc cũng chứa đựng ý nghĩa của khẩu hiệu đó. Để học sinh đến trường và cảm nhận được sự yêu thương của thầy cô, ngôi trường phải được các em xem như là ngôi nhà hạnh phúc của mình. Trong ngôi nhà đó, mỗi thầy cô phải đóng vai trò là những người cha, người mẹ luôn luôn biết lắng nghe, thấu hiểu, tận tụy, tôn trọng và giúp đỡ các em.