Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
c) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
e) Dân quân thường trực;
g) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác;
h) Phu nhân hoặc phu quân không hưởng lương từ ngân sách nhà nước đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;
i) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương;
k) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
l) Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;
m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh;
n) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Như vậy, so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, có thêm các nhóm đối tượng sau thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.
- Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.
- Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo dự kiến, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
2 phương án quy định việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Phương án 1 chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1, tiếp tục cho rút bảo hiểm xã hội một lần với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025).
Nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết chế độ một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.
Xem thêm: Ngoài 30%, lương cán bộ công chức viên chức sẽ tiếp tục được tăng thêm sau cải cách
Minh Khuê (t/h)