Thi trực tuyến rất cần sự tự giác của học sinh

Các trường đã kết thúc kỳ thi kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến, tổng kết lại chất lượng học tập sau nửa kỳ đầu của năm học 2021-2022.

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, các em học sinh trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục học và thi trực tuyến tại nhà. Sau hai năm thực hiện, thầy cô và các em học sinh đã có sự chủ động trong việc thực hiện.

Kết hợp nhiều hình thức thi

Trao đổi với Người Đưa tin, thầy Lưu Văn Thông, Hiệu Phó trường THCS Cầu Giấy cho biết, năm nay là năm thứ 2 trường tổ chức cho học sinh kiểm tra online, nên mọi thứ đã đi vào nề nếp và học sinh cũng đã quen với cách làm bài kiểm tra online.

"Để đảm bảo thống nhất trường chúng tôi triển khai đồng bộ quá trình coi kiểm tra, giao bài, chấm chữa và trả bài cho học sinh trên phần mềm trực tuyến”, thầy Thông cho hay.

Giáo dục - Thi trực tuyến rất cần sự tự giác của học sinh

Thi trực tuyến rất cần sự tự giác của học sinh

Trước khi kiểm tra, nhà trường có buổi kiểm tra thử để đánh giá sự ổn định của hệ thống kiểm tra online nhà trường đã dùng.

Ngoài ra các giáo viên cũng được tập huấn nội quy của kiểm tra online và những tình huống có thể gặp trong quá trình.

Trường Cầu giấy đã xây dựng lịch kiểm tra chung thời gian cho tất cả các khối lớp để bảo bảo khách quan cho kỳ thi.

“Mỗi lớp sẽ phân công 2 giáo viên coi kiểm tra, thầy cô phụ trách công nghệ thông tin để hỗ trợ học sinh trong quá trình kiểm tra. Trong quá trình làm bài yêu cầu học sinh bật toàn bộ camera và mic để giám thị quan sát và giám sát các phòng coi kiểm tra”, thầy Thông chia sẻ.

Tất cả các bộ môn đều xây dựng 2 đề: 1 đề chính thức và 1 đề dự phòng để phòng trường hợp các học sinh gặp lỗi kĩ thuật không thể dự thi được trong buổi đó. Đề kiểm tra được các thầy cô trong tổ nhóm xây dựng ma trận và làm đề phù hợp với năng lực của các con và trong điều kiện dạy học online.

Ngoài tổ chức các kỳ thi chung, trường Cầu Giấy cũng xây dựng hướng kiểm tra theo hình thức kiểm tra dự án, sản phẩm học tập hoặc trắc nghiệm khách quan để hướng đến việc các con cần hiểu bản chất vấn đề chứ không phải là học thuộc lòng.

Giáo dục - Thi trực tuyến rất cần sự tự giác của học sinh (Hình 2).

Học sinh tiểu học thi vào cuối tuần để cha mẹ có thể hỗ trợ kỹ thuật cho con 

Cũng chia sẻ về vấn đề trên cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường tiểu học Tràng An, Hoàn Kiếm cho biết: “Việc kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến được triển khai với các bạn học sinh khối lớp 4 và 5. Những khối lớp còn lại thì không tổ chức thi đợt này.

Những bạn học sinh cấp tiểu học, ngoài hướng dẫn cho các em cách thức thi, thì phụ huynh cũng phải nắm rõ thông tin để hỗ trợ các con”.

Trước đó, các em cũng được kiểm tra thử để hiểu rõ các quy chế, mỗi phòng kiểm tra chỉ có 10 học sinh và 2 giáo viên phụ trách trông thi. Học sinh sẽ được làm bài ra giấy, sau đó chụp ảnh gửi lại cho các cô theo đường link.

Việc làm bài ra giấy, vẫn đảm bảo được kiểm tra toàn diện về kiến thức, cách thức trình bày, triển khai bài của các bạn.

Giáo dục - Thi trực tuyến rất cần sự tự giác của học sinh (Hình 3).

Việc đi học trở lại còn phụ thuộc vào tình hình dịch và tổ chức tiêm cho học sinh

“Chúng tôi triển khai tổ chức thi vào ngày thứ 7 để cha mẹ có thể chuẩn bị trang thiết bị cho con.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT thì năm nay giảng dạy những kiến thức cơ bản nhất cho học sinh, nên khi ra đề trường cũng sẽ kiểm tra những nội dung như vậy.

Về chất lượng đào tạo thông qua hình thức thi online, trường chúng tôi vẫn cố gắng triển khai học trực tuyến vẫn giống như học ở trên lớp.

Các con vẫn được học nhóm, và đẩy mạnh tương tác, chữa bài cho các con. Với những học sinh chăm chỉ thì kết quả học tập vẫn phản ánh đúng năng lực của các con”, cô Liên bày tỏ.

Nghiêm túc thi để phản ánh đúng thực lực

Liên hệ với thầy Dương Hai Bảy Mươi, Hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt về công tác tổ chức thi giữa kỳ cho các em học sinh, thầy cho hay: “Trường chúng tôi sử dụng trang cơ sở dữ liệu của ngành để tổ chức kiểm tra giữa kỳ cho các em. Ở đây, các em sẽ có tài khoản riêng, và nếu vào chậm 15 phút thì sẽ phạm quy. Các con sẽ vừa được thi trách nghiệm và tự luận”.

Thầy Mươi cũng có những đánh giá về chất lượng kỳ thi trực tuyến vừa qua: “Điểm số qua kỳ thi vẫn phản ánh đúng lực học hằng ngày của các em. Tuy nhiên, nếu có sự giám sát trực tiếp của các thầy cô vẫn sẽ mang tính khách quan hơn. Cũng không thể tránh khỏi sự mất tập trung, những vấn đề hạn chế của học sinh.

Các giáo viên của trường cũng đã phải có những trao đổi đối với các em để các bạn tự giác học tập và kiểm tra nghiêm túc.

Đối với các em khối THPT, việc học tập đúng thực lực là rất quan trọng vì các em còn kỳ thi đại học, học sinh cần phải hiểu rõ khả năng của mình để các thầy cô giáo còn có sự điều chỉnh, giúp đỡ các em”.

Bên cạnh đó, hiện nay các trường cũng đã xây dựng những phương án để tổ chức thi cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến đảm bảo chất lượng, khi chưa có kế hoạch cụ thể về việc cho học sinh đi học trở lại.

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 HĐND Tp.Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tại UBND quận Đống Đa ngày 19/11. Trả lời ý kiến của cử tri về kế hoạch cho học sinh trở lại trường, Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết: “Thích ứng an toàn có 2 vế: An toàn nhưng phải kiểm soát hiệu quả. Thành phố liên tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và đã cân nhắc rất kỹ về an toàn khi tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi”.

Dựa trên dự kiến phân bổ của Bộ Y tế, thành phố đã lên kế hoạch cụ thể để tiêm nhanh nhất cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, vắc-xin chưa về và phụ thuộc vào Bộ Y tế. Dự kiến 1, 2 ngày nữa Hà Nội mới được phân bổ hơn 370.000 liều vắc-xin. Khi có vắc-xin, chỉ 2 ngày là thành phố sẽ tiêm xong cho học sinh cấp 3; từ căn cứ đó mới có kế hoạch cho học sinh thuộc cấp học này trở lại trường.

Theo Người Đưa Tin