Thiếu nữ ở Hà Nội phải nhập viện tâm thần vì ăn uống kiểu đáng sợ này sau khi bị khước từ lời tỏ tình

CTV
Bị cậu bạn trai mình thích khước từ tình cảm, còn chê béo, cô gái trở nên tự ti về bản thân, muốn giảm cân nhưng lại luôn thèm ăn vô độ, dẫn tới bi kịch sau này.

Nhập viện vì bị thèm ăn sau giảm cân

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Phòng Rối loạn cảm xúc và ăn uống (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới tiếp nhận một bệnh nhân tên Thu Hà, 20 tuổi, là sinh viên đại học năm thứ 2 ở Hà Nội, nhập viện vì rối loạn ăn vô độ.

Gia đình bệnh nhân chia sẻ, từ nhỏ Hà trầm tính. Năm học lớp 12, Hà yêu một bạn trai cùng lớp nhưng khi thể hiện tình cảm thì bị chê béo nên sinh tâm lý tự ti, lo lắng về hình thể và quyết định giảm cân.

Bắt nguồn từ việc bị bạn trai khước từ tình cảm và chê béo, cô gái đã lún sâu vào việc ăn uống phản khoa học, rồi sinh bệnh. Ảnh minh họa. 

Ban đầu, Hà bỏ bữa sáng và bữa tối, chỉ ăn salad vào bữa trưa. Sau một thời gian, bệnh nhân giảm được 8 kg nhưng mỗi lần đứng trước gương luôn thấy mình thật xấu xí, khi cơ nhão, da nhăn nheo. Hà quyết định sẽ ăn uống trở lại, với những món giàu năng lượng, và từ đó cơn thèm ăn trong cơ thể nữ sinh này trỗi dậy. Những cơn thèm ăn diễn ra ngày càng nhiều, lên tới 5-6 lần/tháng và diễn ra vài tháng liên tục.

Mỗi khi thèm, bệnh nhân thường ăn cho thỏa thích, sau đó lại cảm thấy hối hận, sợ tăng cân nên dùng thuốc nhuận tràng để xổ hết. Cơn thèm ăn xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều, ban đêm bệnh nhân đang ngủ cũng thức dậy để ăn, khiến giấc ngủ bị gián đoạn nên luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học, ít tiếp xúc với người khác, hay cáu gắt… Khi phát hiện triệu chứng ngày càng tăng nặng, gia đình mới đưa đến viện tâm thần thăm khám”, bác sĩ Kim Anh chia sẻ.

Cô gái trẻ đang ngủ phải dậy mò ăn, ảnh hưởng đến giấc ngủ, từ đó gây ra các rối loạn tâm thần. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Kim Anh chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ, kê thuốc điều trị, kèm tư vấn dinh dưỡng, kết hợp với giáo dục để nhận thức hành vi. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã không còn cơn thèm ăn, tinh thần vui vẻ hơn.

Phụ nữ quá quan tâm đến ngoại hình dễ bị rối loạn ăn uống

Ths.BS Vũ Tùng Sơn - Phòng rối loạn cảm xúc và ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ăn uống vô độ là một rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi các giai đoạn ăn vô độ tái diễn, lặp đi lặp lại nhiều lần. Đồng thời, người bệnh luôn bận tâm quá mức đến việc kiểm tra cơ thể hoặc dùng biện pháp khác để giảm tác dụng gây béo sau ăn như gây nôn, dùng thuốc nhuận tràng…

Bệnh nhân ăn vô độ thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bệh thường khởi phát từ lứa tuổi vị thành niên, nhưng bùng phát thường ở tuổi 20 đến 29 và hiếm gặp sau 40 tuổi”, bác sĩ Sơn cho biết.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do di truyền; do ảnh hưởng tâm lý xã hội, nhất là lứa tuổi dậy thì khi trẻ hay bị chê bai về ngoại hình. Ngoài ra, vấn đề văn hóa xã hội cũng có tác động đến rối loạn này, nhất là việc học theo và mong muốn có được hình thể, vẻ đẹp của người nổi tiếng.

Những người ăn nhiều nhưng lại luôn ám ảnh về hình thể có nguy cơ bị rối loạn ăn vô độ rất cao. Ảnh minh họa. 

Về dấu hiệu nhận biết, bác sĩ Tùng cho biết, người bị rối loạn ăn vô độ thường có biểu hiện sau:

- Lặp đi lặp lại việc ăn quá nhiều và không thể ngừng ăn. Việc lặp lại này diễn ra ít nhất 2 lần/tuần và kéo dài trong khoảng 3 tháng.

- Tự gây nôn sau ăn, từ đó dễ dẫn đến viêm dạ dày, hỏng men răng…

- Tập thể dục quá mức, quá nặng để giảm cân sau ăn. Quá trình tập luyện lặp lại vì cứ ăn vào là lại muốn tập giảm cân;

- Cảm giác chán nản về vẻ bề ngoài của bản thân;

- Luôn mệt mỏi, ít năng lượng;

- Thiếu tự tin về ngoại hình;

- Bất mãn về hình dáng, kích thước cơ thể, ghét sự so sánh, chán ghét bản thân.

- Mất kiểm soát hành vi và cảm xúc, dùng các biện pháp giảm béo tiêu cực dùng thuốc nhuận tràng, thanh lọc cơ thể, thuốc lợi tiểu...

- Với người rối loạn ăn vô độ thường kèm theo rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn giấc ngủ,…

Người bị rối loạn ăn uống vô độ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dễ bị rối loạn tuần hoàn; rối loạn tiêu hóa vì hành vi gây nôn, tháo thụt thức ăn; rối loạn giảm ham muốn tình dục, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc mất kinh vì thiếu dinh dưỡng. Do vậy, khi có các dấu hiệu như trên, người bệnh cần đi khám đúng chuyên khoa tâm thần để được điều trị sớm nhất có thể”, bác sĩ Tùng khuyến cáo.