Thông tin "người dân Hà Nội chỉ được ra ngoài 7 ngày/lần" là sai sự thật

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xác định đây là tin giả, sai sự thật, đề nghị người dân cần cẩn trọng.

Vào ngày 2/8, một tài khoản facebook tên Lệ Trần đã đăng tải lên trang cá nhân với nội dung: "12 giờ đêm nay Hà Nội sẽ có chỉ thị mới về việc giãn cách. Người dân sẽ chỉ được ra ngoài 7 ngày/1 lần chứ không được đi chợ cách ngày như bây giờ. Việc đi lại của những người có giấy phép đi làm cũng sẽ siết chặt hơn. Các bác xem chiều nay đi mua trữ thêm đồ ăn nếu gần hết nhé", theo Tuổi trẻ đưa tin.

Sau khi thông tin trên lan truyền, sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã vào cuộc xác minh đây là thông tin sai sự thật, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

thong tin nguoi dan ha noichi duoc ra duong 7 ngay 1 lan la sai su that 1

Thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Ảnh: Tuổi trẻ.

Sở đã có văn bản đề nghị cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử công bố trên trang thông tin điện tử http://tingia.gov.vn, khuyến cáo cộng đồng mạng không chia sẻ các tin giả, gây hoang mang trong dư luận.

Bên cạnh đó, sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đang truy tìm để xử lý đối tượng tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận liên quan tới việc giãn cách xã hội và tăng cường rà quét, xử lý tổ chức, cá nhân đăng thông tin vi phạm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố trong xử lý thông tin sai sự thật về COVID-19.

Đơn vị này cũng khuyến cáo người dân thận trọng, có kiểm chứng khi sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin về tình hình dịch bệnh, cùng chung tay thực hiện, chia sẻ, tự giác chấp hành nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; góp phần cùng thành phố đẩy lùi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ thứ tư, tiến tới chiến thắng đại dịch.

VTVNews dẫn thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc bộ Thông tin và truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2021; trung tâm đã nhận được hơn 1.100 lượt báo cáo tin giả. Trong đó, nhiều nội dung trong số này đưa thông tin sai lệch về tình hình COVID-19 tại Việt Nam. Các tin giả nở rộ trên các trang mạng xã hội như: Facebook, YouTube và TikTok gây hoang mang dư luận và khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Linh Chi (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật