Thứ trưởng bộ Y tế nói về ý kiến người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 nên được đi làm bình thường

Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 nên được đi làm. Các chuyên gia y tế nói gì về điều này?
nguoi-tiem-2-mui-vac-xin-covid-co-duoc-di-lam-binh-thuong-1630759095.jpg
 

Sáng 4/9, thông tin với Infonet, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội, Phụ trách trung tâm hồi sức 500 giường trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương hôm nay triển khai tiêm vắc-xin diện rộng với mục đích trở lại trạng thái bình thường mới càng sớm càng tốt.

Theo PGS Lân Hiếu, tại địa phương này, những người đã mắc Covid-19 khỏi bệnh (đến nay là gần 70 nghìn người), những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, những người tiêm 1 mũi đủ ngày (2 nhóm này hiện nay là gần 1 triệu người) sẽ được ra đường đi làm.

“Chúng tôi hy vọng trong 1 tuần tới, nếu tiêm thêm 1 triệu mũi vắc xin, trên 70% người dân Bình Dương sẽ có “giấy thông hành” và những người tình nguyện chống dịch sẽ có thể đếm được ngày về”, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Xung quanh ý kiến cho rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nên được đi làm, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ quan điểm: “Hết giãn cách, việc tạo điều kiện cho người đi làm là chuyện phải làm. Vì xã hội thì không thể không hoạt động được.

Mỗi cơ quan có tỷ lệ đội ngũ nhân viên nhất định không thể ở nhà. Hoặc những cơ quan hành chính, dịch vụ công cũng phải có phục vụ. Thành ra những người ưu tiên để được đi nhất chính là những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, những người này dù được ưu tiên đi làm nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch: “Việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch vẫn phải được thực hiện một cách hết sức nghiêm ngặt bởi vì những người đã tiêm đủ 2 mũi không có nghĩa là không bị nhiễm SARS- CoV-2 và cũng không có nghĩa là không lây cho người khác”.

Thứ trưởng đưa dẫn chứng, các thống kê hiện nay cho thấy, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc -xin chỉ có thể có triệu chứng nhẹ hơn nếu mắc Covid-19 hoặc tỉ lệ trở nặng ít hơn nhưng vẫn có thể bị nhiễm và lây cho người khác.

Đánh giá về khả năng được bảo vệ sau tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng cho rằng những người tiêm đủ liều vắc-xin vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.

"Hiện chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng, tức là tỉ lệ tiêm vắc-xin bao phủ chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng, ở mức 70% dân số được tiêm đủ liều 2 mũi vắc-xin trên phạm vi cả nước. Vì vậy, người chưa được tiêm vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ người đã tiêm đủ vắc-xin Covid-19 khi tiếp xúc, nếu như khi người đã tiêm bị nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, người được tiêm vắc-xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc-xin và gây bùng phát dịch", PGS Phu giải thích.

Do đó, những người đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 vẫn cần tuân thủ các quy định chung về giãn cách, phong tỏa, thực hiện 5K để kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

“Những người đó (đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin) được ưu tiên hơn là đúng nhưng khi họ thực thi công vụ hoặc làm nhiệm vụ gì đó thì vẫn phải đảm bảo phòng chống Covid-19. Vì thế đã đi làm là tất cả các biện pháp phòng dịch phải được tuân thủ tuyệt đối (khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế, không tập trung đông người, khẩu trang…).

Bây giờ cần nâng cao ý thức phòng dịch cho tất cả mọi người dân nói chung và đặc biệt những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin nói riêng đều phải áp dụng biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

PGS Phu khuyến cáo thêm, các địa phương khi triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cần ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, vì đó là những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc Covid-19.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), cho rằng trong lúc chưa đủ vắc-xin bao phủ toàn dân thì ưu tiên tiêm để bảo vệ cho người cao tuổi, bệnh nền, từ đó, sẽ giảm tải cho hệ thống y tế nếu dịch bệnh bùng phát. 

PGS Nga đề xuất cùng với việc triển khai tiêm vắc-xin phù hợp, kiểm soát dịch hiệu quả cũng cần sớm nghiên cứu các quy định áp dụng giấy chứng nhận tiêm vắc-xin vào cuộc sống, như việc đi lại, sử dụng dịch vụ công cộng... với những người đã có "hộ chiếu vắc-xin".

Ông Nga cho rằng việc sống chung với Covid-19 không có nghĩa là buông lỏng chống dịch, mà là chấp nhận có những ca F0 phát sinh trong cộng đồng, sẵn sàng, chủ động ứng phó khi có ổ dịch bùng phát, giống như việc mọi người đang sống chung với nhiều virus gây dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau như sốt xuất huyết, cúm...

"Nếu tiêm đủ 2 mũi vắc-xin rồi lại về ngồi ở nhà thì rất phí, vì họ có thể tham gia lao động, làm việc bình thường", ông Nga nêu ý kiến. Ông cũng lưu ý người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn cần thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K để bảo vệ sức khỏe cho người khác.

Minh Hoa (t/h theo Infonet, Người Lao Động) - Người Đưa Tin