Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao - nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan trên thế giới có sức tàn phá to lớn và các hậu quả nặng nề, trực tiếp, sâu sắc đến việc thụ hưởng đầy đủ các quyền của con người, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với chủ trương lấy “nhân dân làm trung tâm, chủ thể”, Việt Nam quan tâm đặc biệt đến bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ LHQ), Việt Nam tham gia nhóm nòng cốt thúc đẩy các Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, đặc biệt của các nhóm dễ bị tổn thương.
Đây chính là vấn đề ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua tại HĐNQ và đặc biệt là khi Việt Nam ứng cử làm thành viên của HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, với phương châm “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Ông Đỗ Hùng Việt khẳng định các quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua việc triển khai các cam kết tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP 26), trong đó có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cũng như các cam kết theo các Công ước quốc tế về quyền con người Việt Nam đã tham gia; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng như việc triển khai thực hiện các cam kết về quyền tự do cơ bản của con người, bao gồm quyền tham gia và thông tin, minh bạch, trách nhiệm, bình đẳng và không phân biệt đối xử trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu thay mặt các đối tác quốc tế, Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong đó có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng các cam kết ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025; cho biết các cơ quan của LHQ tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết này.
Bà Tamesis cũng nhấn mạnh ba yếu tố cần quan tâm là: (i) Biến đổi khí hậu là vấn đề về quyền con người, do đó cách tiếp cận dựa trên quyền con người phải là trung tâm của giải pháp; (ii) Cần có sự tham gia tích cực của các tầng lớp xã hội, bao gồm các tổ chức phi chính phủ; (iii) Cần nâng cao hiểu biết toàn diện và giáo dục về quyền con người trong mọi lĩnh vực phát triển.
Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc UNDP khu vực châu Á và Thái Bình Dương bày tỏ hoan nghênh Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; trong đó luôn đặt người dân ở trung tâm, cam kết bảo đảm quyền con người.
Bà Wignaraja nhắc lại phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam tại Khóa họp HĐNQ lần thứ 50 vừa qua, theo đó tất cả các tiếng nói, bao gồm của các nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế nhất phải được lắng nghe, bởi họ là những nhân tố quan trọng tác động đến sự thay đổi và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp địa phương.
Bà Wignaraja cũng khẳng định UNDP cam kết mạnh mẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng các chính sách thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu và các chính sách môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.
Tại Hội thảo, các Đại sứ, đại diện tại Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm, thực tiễn tốt về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, cũng như các góc nhìn, khuyến nghị, định hướng của quốc tế trong vấn đề này.