Thuê giang hồ đòi nợ, những rủi ro và hậu quả pháp lý khó lường

Ngày nay đòi nợ vay có rất nhiều biến tướng. Thậm chí có nhiều người còn tìm đến “xã hội đen” để thuê đi đòi nợ. Để có được khoản “hoa hồng” béo bở từ những hợp đồng nợ nần, các đối tượng hành nghề đòi nợ thuê đã không chừa bất cứ thủ đoạn nào. Từ đe doạ, khủng bố tinh thần đến đánh đập, truy bức tàn nhẫn con nợ… đó là cách mà những kẻ được gắn mác “đòi nợ theo uỷ quyền” nghiễm nhiên áp dụng khi hành sự.

Vậy hành vi thuê xã hội đen, thuê giang hồ đòi nợ phạm tội gì?

Có thể nói, những hành vi trên là các hành vi cố ý gây tổn thương tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Và những người thực hiện các hành vi này, tùy vào mức độ, tính chất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau đây:

- Tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân

- Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 05 năm

Bên cạnh đó, vì người đi vay chưa hoặc không trả nợ đúng hạn nên việc xã hội đen đi đòi nợ thuê thực chất là hành vi cưỡng đoạt, thậm chí là cướp tài sản. Trong trường hợp này, người đi đòi nợ thuê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh:

- Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là chung thân và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

- Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam hoặc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Người thuê – từ chủ nợ thành tội phạm

Có nợ phải trả, đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Nhưng đừng vì người đi vay chưa trả hoặc không có ý định trả mà chọn phương án thuê xã hội đen đi đòi nợ.

Bởi không chỉ các đối tượng xã hội đen, người trực tiếp thực hiện hành vi đòi nợ phạm tội mà người đi thuê cũng có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm.

Bởi vậy, khi cho ai vay nợ, nếu người đi vay không trả được nợ thì các chủ nợ nên nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Khi thấy các đối tượng vay tiền có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015) thì có thể tố cáo đến các cơ quan có chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đòi nợ đúng luật?

Nguyên tắc đòi nợ đúng luật mà người cho vay cần lưu ý là không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và không bắt giữ người vay trái pháp luật. Để buộc người vay trả tiền cho mình.

Riêng trong trường hợp người vay dùng những thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay thì có thể bị xem xét về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015).

Trong trường hợp trên, người cho vay có thể gửi đơn tố giác gửi đến cơ quan công an điều tra. Theo Điều 30 của Bộ luật Hình sự năm 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Do đó, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu đòi nợ của người cho vay trong quá trình xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của người vay.

Luật sư Nguyễn Cao Đạt - Công ty luật Nguyên Khang.