Sau một thời gian nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc tại Ninh Thuận bán điện, công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua cổ phần nhà máy này.
Cụ thể, ACIT cho biết đã mua 49% cổ phần của nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW của công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group). Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Trungnam Group cũng đã chuyển giao chức vụ Giám đốc công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Tổng Giám đốc ACIT.
Phía ACIT cho hay, từ ngày 1/1/2021, ACIT đã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan đến số cổ phần trên tại dự án. Thương vụ chính thức hoàn tất vào ngày 19/4/2021.
Cả phía Trungnam Group lẫn ACIT đều không tiết lộ giá trị thương vụ, song nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Hiện Trungnam Group vẫn giữ cổ phần đa số tại nhà máy điện mặt trời này.
Nằm tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nhà máy điện mặt trời này hoàn thành sau gần 12 tháng thi công, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin, cùng hệ thống giá đỡ xoay 120 độ, tự động xoay chiều và điều chỉnh hướng đón bức xạ mặt trời. Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên của Trung Nam tại Ninh Thuận, thời điểm đó dự án này được bán điện cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức giá cao 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm.
Về phía ACIT, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp Luật, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 21/11/2006, trụ sở chính đặt tại số nhà 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Tại ngày 22/7/2015, ACIT có vốn điều lệ 17,5 tỷ đồng, trong đó cổ đông duy nhất được tiết lộ là Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Phương (SN 1975) với tỷ lệ sở hữu 60% vốn.
Đến ngày 28/4/2020, trụ sở chính của ACIT được chuyển sang số 99 phố Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đồng thời, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cũng được thay thế bởi ông Phạm Đình Thắng (SN 1981).
Ông Phạm Đình Thắng cũng là người người đại diện theo pháp luật. Trong lần thay đổi lần thứ 16 vào ngày 25/1/2021, doanh nghiệp này nâng tổng vốn điều lệ lên 2.025 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, ACIT là doanh nghiệp chuyên sản xuất tủ điện, trạm điện và cung cấp giải pháp thiết bị trọn bộ cho các trạm biến áp truyền tải, phân phối điện cũng như các hệ thống điện cho khu công nghiệp, tòa nhà cao tầng và các công trình trọng điểm quốc gia.
ACIT có 3 nhà máy sản xuất thiết bị điện gồm: Nhà máy Quất Động số 1 và nhà máy Quất Động số 2 đặt tại cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội) và nhà máy Hòa Lạc được đặt tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Doanh nghiệp này đánh dấu việc tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách ấn tượng khi trở thành chủ đầu tư, đưa nhà máy Điện mặt trời Bầu Zôn vào chính thức vận hành ngày 5/8/2020.
Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 29ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tổng công suất nhà máy là 25,031 MW, cung cấp sản lượng điện vào lưới điện quốc gia khoảng 45 triệu kWh/năm.
Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204MW là nhà máy điện mặt trời thứ 2 của ACIT trên mảnh đất Ninh Thuận và là nhà máy thứ 5 của công ty nếu tính cả 3 nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Quất Động và khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Nhiều sản phẩm của ACIT đã ghi dấu ấn tại các công trình, dự án lớn như: Trụ sở bộ Ngoại giao, tòa nhà Quốc hội, trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hầm đường bộ Hải Vân 2, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Cù Mông, cảng quốc tế Lạch Huyện, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, tòa nhà Landmark 81, nhà máy Sản xuất Động cơ máy bay Hanwha Aero Engines, dự án trạm 500kV Trung Nam Thuận Nam, nhà máy Điện mặt trời Bầu Zôn, nhà máy Điện gió Trung Nam Trà Vinh…
Về tình hình kinh doanh, trong vài năm gần đây, ACIT luôn duy trì doanh thu đạt con số nghìn tỉ, song lợi nhuận thu về lại ở mức hạn chế.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu của ACIT lần lượt đạt 1.293 tỷ đồng và 1.966 tỷ đồng, lãi thuần tương ứng chỉ ở mức 5,7 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của ACIT lần lượt là 2.054 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Sang năm 2019, ACIT bất ngờ báo lỗ 22,7 tỷ đồng, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng 26% đạt 2.600 tỷ đồng.
Nợ phải trả của ACIT chủ yếu là khoản nợ ngắn hạn. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ACIT đạt 1.972 tỷ đồng.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật