Tiến độ tiêm vaccine đạt khoảng 65% trên tổng số hơn 18 triệu mũi vaccine được cấp

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 đến nay đạt khoảng 65% trên tổng số hơn 18 triệu mũi vaccine được cấp.

Chú thích ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời báo chí tại cuộc họp báo.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng giải thích rằng, số liệu như vậy nhưng nhiều khi số liệu công bố vẫn thấp hơn so với số tiêm thực tế do việc nhập số liệu có nhiều biến động.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn hơn 3,9 triệu liều, tương ứng 88,2% số vaccine được cấp. Trong ngày 11 và 12/8 sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và chuyển sang tiêm vaccine Sinopham.

"Hà Nội cũng đã cấp hơn 2,4 triệu liều và đã tiêm được 1,5 triệu liều, tương ứng hơn 60% số vaccine được cấp. Thủ đô cũng sẽ đẩy mạnh tiêm chủng trong những ngày tới", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.

Bộ Y tế sẽ yêu cầu các tỉnh, thành lập số liệu cụ thể để đưa ra tiến độ tiêm chủng, giúp các địa phương chủ động hơn. Ngoài ra cũng đôn đốc để các địa phương không để tồn vaccine, nếu không dùng hết thì sẽ chuyển cho tỉnh khác. Việc này giúp tốc độ tiêm vaccine nhanh hơn.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải bảo đảm an toàn, tiêm mũi nào an toàn mũi đó. Ngoài ra, phải chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để tiến hành cấp cứu nếu cần.

"Sau này khi vaccine nhiều hơn, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị quốc phòng để đẩy tốc độ tiêm lên 2 triệu mũi 1 ngày. Với TP Hồ Chí Minh, để đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã chủ động thảo luận với địa phương và chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Đã chuẩn bị về cơ sở vất chất, thiết bị, con người, sẵn sàng cho tình huống xấu hơn có thể xảy ra", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện có sự quá tải y tế ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam do lượng bệnh nhân ở khu vực hồi sức tích cực (tầng 3). Có một số trường hợp do quá lo nên mức độ bệnh nhân chưa tới mức phải lên tầng 3 đã đưa lên tầng 3, trong khi họ có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện hoặc trạm y tế xã.

"Chúng ta phải phân tầng đúng và kịp thời, tránh gia tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế. Hiện đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến tại các tỉnh phía Nam và các trung tâm hồi sức cấp cứu, riêng TP Hồ Chí Minh có 5 trung tâm. Với một số vùng trọng điểm như Đông Nam Bộ thì phân cho Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Bệnh viện K để thiết lập trung tâm hồi sức với quy mô 400 giường ở Đông Nai. Ngoài ra là các tỉnh như Bình Dương…", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Bộ Y tế đã cử các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị để hỗ trợ các địa phương nhanh nhất, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chuyển 10.000 liều thuốc đặc trị nhập khẩu từ Ấn Độ về để phục vụ công tác điều triệu.

"Đã có 10.000 sinh viên được huy động cho công tác chống dịch ở các tỉnh phía Nam, trong đó nhiều anh em từ Tết tới giờ chưa được về nhà", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.

Viết Tôn - Báo Tin tức