TikToker "Nhật Hải Biết Tuốt" bị phạt sau clip xuyên tạc gây tranh cãi 

TikToker "Nhật Hải Biết Tuốt" bị phạt 7,5 triệu đồng sau khi đăng tải clip xuyên tạc Sài Gòn là "nơi cực kỳ lý tưởng của những tội phạm hoạt động".

Theo tin tức trên báo Tiền Phong, Dân trí, ngày 2/4, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Nhật Hải (trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) về hành vi cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân.

Vào ngày 14/3, kênh TikTok của Nhật Hải đăng tải clip với tựa đề "GIẬT BIM BIM Ở SÀI GÒN", cùng lời độc thoại "đố các bạn biết vì sao ở Sài Gòn thường hay bị giật điện thoại, giật dây chuyền, giật túi xách, rồi còn giật cả bim bim nữa…?".

Nhật Hải tự đưa nhận định "Sài Gòn nhậu nguyên ngày nguyên đêm" nên "hết xoài, hết ổi nên tranh thủ giật bim bim để nhậu tiếp...".

TikToker này cũng cho rằng trộm cắp ở Sài Gòn là "văn hóa", là "nơi cực kỳ lý tưởng cho tội phạm hoạt động".

Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã nhanh chóng gây tranh cãi vì cho rằng Tiktoker Hải Biết Tuốt đang cố tình xuyên tạc, phân biệt vùng miền. Hiện tại clip này đã bị xóa. 

Được biết, kênh "Nhật Hải Biết Tuốt" hiện thu hút gần 900.000 lượt theo dõi và 30,5 triệu lượt thích, có sức ảnh hưởng không nhỏ tới giới trẻ. 

hai-biet-tuot-11-1712049530.jpg
Hải Biết Tuốt bị phạt sau clip xuyên tạc. Ảnh internet

Việc một TikToker có lượng người theo dõi đông đảo đăng tải thông tin không chính xác có thể dẫn đến hàng loạt người khác tin vào thông tin đó mà không kiểm tra hoặc xác minh.

Điều này có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, bao gồm việc lan truyền tin đồn, tạo ra sự hoang mang và lo lắng trong cộng đồng, hoặc thậm chí làm suy giảm uy tín của một cá nhân hoặc tổ chức. Ngoài ra, thông tin sai lệch cũng có thể gây ra những tổn thất kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân bị đặt vào tình thế tiêu cực do thông tin không chính xác.

Hơn nữa, khi một TikToker đăng tải thông tin sai lệch, đặc biệt là khi thông tin đó liên quan đến y tế, an ninh, hoặc các vấn đề nhạy cảm khác, có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn và lo lắng trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của mọi người.

Do đó, việc đăng thông tin sai lệch trên TikTok hoặc bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào khác đều đáng lo ngại và cần phải được kiểm soát và giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin được chia sẻ trên mạng.

Đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội bị xử phạt thế nào?

Tại Điều 99, Điều 100, Điều 101, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi của trang thông tin điện tử: Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật, buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội: Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội. Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật, buộc thu hồi tên miền.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi sau:  Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

-  Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối hành vi: Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Xem thêm: Chi tiết cải cách tiền lương theo vị trí làm việc từ ngày 1/7 người dân cần nắm rõ

Minh Khuê (t/h)