Chi tiết cải cách tiền lương theo vị trí làm việc từ ngày 1/7 người dân cần nắm rõ

Việc cải cách chính sách tiền lương lần này với mục đích trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ lãnh đạo.

Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 do Quốc hội ban hành, trong đó có đề cập đến nội dung cải cách tiền lương như sau:

- Từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

- Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:

+ Từ ngày 1-1-2024 – 30-6-2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

+ Từ ngày 1-7-2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

cai-cach-tien-luong-1712034257.jpg
Chi tiết cải cách tiền lương theo vị trí làm việc từ ngày 1/7. Ảnh minh họa

- Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 34/2021/QH15.

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Điều này bao gồm việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội, đồng thời bãi bỏ các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù.

Mức lương thấp nhất của khu vực công sẽ được xác định bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp. Dự kiến, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng khoảng 6%, từ đó kéo theo mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng tăng lên so với hiện tại.

Cải cách tiền lương cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12, bao gồm cả mức lương cao nhất của công chức, viên chức, dự kiến vượt xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.

Tổng thu nhập của công chức, viên chức sau cải cách dự kiến tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của người lao động làm công. Điều này thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc nâng cao mức sống và động viên nguồn nhân lực lao động.

Xem thêm: Những trường hợp được áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024

Minh Khuê (t/h)