Tin tức 24h: Phụ huynh lên tiếng gay gắt khi có cả con và cháu cùng bị ngộ độc ở trường iSchool Nha Trang

CTV
Anh Trần Văn Quỳnh - phụ huynh của cháu Trần K.N (lớp 8/3, trú tại TP Nha Trang) đã có những chia sẻ với Gia đình & Xã hội về tình huống con gái và cháu trai của anh bị đau bụng, sốt và nhập viện cấp cứu sau bữa ăn ở trường iSchool Nha Trang.

Phụ huynh lên tiếng gay gắt khi có cả con và cháu cùng bị ngộ độc ở trường iSchool Nha Trang

Anh Trần Văn Quỳnh cho biết, cháu Trần K.N – con gái và 2 người cháu (con của anh trai ruột) của anh bắt đầu theo học lớp 8/3 tại trường iSchool Nha Trang từ năm nay.

Vì là năm đầu theo học nên trước đó, dù nhiều lần K.N xuất hiện hiện tượng đau bụng, sốt nhưng anh Quỳnh cho rằng, có thể do con gái mới chuyển vào Nha Trang sinh sống, chưa quen thời tiết.

Tuy nhiên, sự việc ngộ độc thực phẩm xảy ra vào ngày 17/11 dẫn đến hàng trăm học sinh theo học trường iSchool Nha Trang nhập viện cấp cứu, anh Quỳnh cho rằng đây là một thảm họa xã hội. Bởi đến nay đã có hơn 800 cháu bị ngộ độc thực phẩm, khiến 1 bé ra đi mãi mãi.

Con gái và cháu trai của anh Trần Văn Quỳnh nhập viện cấp cứu sau khi dùng bữa ăn tại trường iSchool Nha Trang. Ảnh: NVCC

Anh Quỳnh cho biết, gia đình có con gái K.N và 2 cháu đang theo học lớp 10 và lớp 6/2 trường iSchool Nha Trang. Học phí gần 100 triệu đồng/người/năm, chưa kể các loại phụ phí.

Sự việc bắt đầu từ đêm ngày 17/11, một số phụ huynh đã nhắn trong nhóm lớp về việc có con bị đau bụng. Khi đó anh Quỳnh đang công tác ở Đà Lạt nhưng do quá nhiều việc nên đến sáng 18/11, ngay khi đọc được tin nhắn, anh Quỳnh mới sửng sốt nhắn cho anh trai để xem tình hình sức khỏe của con gái K.N và cháu trai Trần N.C (học lớp 6/2) như thế nào. Người nhà anh Quỳnh cho biết con gái và cháu trai của anh đang bị đau bụng quằn quại, sốt cao, hai cháu được nhập Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec cấp cứu.

Ngay khi nhập viện, cháu K.N - con gái anh Trần Văn Quỳnh đã được cấp cứu kịp thời nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Ảnh: NVCC

Anh Quỳnh cho hay: "Cùng buổi sáng 18/11, khi con gái và cháu trai được nhập viện, số phụ huynh phản hồi về con bị đau bụng tăng dần. Thế nhưng, cách nói của nhà trường và cô giáo chủ nhiệm vẫn rất bình thường khi cho rằng có cháu vào nhưng xuất viện ngay, không có vấn đề gì".

Theo anh Quỳnh, càng đến trưa và chiều 18/11, tin tức lan rộng hơn. Sau đó, mạng xã hội xuất hiện group về ngộ độc thực phẩm của trường. Có rất nhiều phụ huynh phản ánh trong nhóm lớp về việc tại sao phản ánh về việc con bị đau bụng lại bị nhà trường chặn và xóa thông tin.

"Lúc này, tôi mới biết về câu chuyện suất ăn hàng ngày đã được hội phụ huynh nhiều lần phản ánh từ cách đây 3 năm. Thậm chí, các cháu đã kêu nhiều nhưng nhà trường không cải thiện", anh Quỳnh cho hay.

Theo anh Quỳnh, lẽ ra, ngay khi xuất hiện tình trạng các cháu bị có dấu hiệu ngộ độc, nhà trường nên rốt ráo làm việc với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cơ quan chức năng, thậm chí là cả lực lượng quân y. Hơn nữa, khi các con đang cấp tập đi cấp cứu, lẽ ra, nhà trường phải phối hợp với phụ huynh tập trung lo sức khỏe cho các con thì nhà trường lại đề nghị các phụ huynh đi làm giấy tờ, dán ảnh của con để sau này thanh toán bảo hiểm.

Theo anh Quỳnh, khi các con đang cấp tập đi cấp cứu thì nhà trường phải phối hợp với phụ huynh tập trung lo sức khỏe cho các con. Ảnh: NVCC

"Tôi rất bức xúc với cách hành xử này của nhà trường, bởi nhà trường đã không lo đi cấp cứu, đến tận nơi hỗ trợ các con mà lại yêu cầu các gia đình đi làm các thủ tục giấy tờ. Có lẽ, họ không nghĩ đến sự nguy hiểm của học sinh nên mới xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy", anh Quỳnh bức xúc.

Cũng theo anh Quỳnh, đến chiều 20/11, có cháu tử vong sau ngộ độc, phụ huynh phản ánh, phản ứng rất gay gắt nên hiệu trưởng trường này đã khóc, xin lỗi.

"Sau sự việc, phụ huynh yêu cầu nhà trường phải đề nghị lãnh đạo Sở Y tế tăng cường cán bộ chuyên môn, bác sĩ giỏi để chống độc cho các cháu. Đến sáng 21/11, Tập đoàn Nguyễn Hoàng có đưa ra một số người tạm gọi là chuyên gia y tế nhưng chỉ đến tối 21/11, khi có đoàn chuyên gia của Bộ Y tế thì các cháu mới được hỗ trợ được nhiều nhất. Họ đã ra phác đồ điều trị cho các cháu", anh Quỳnh cho biết.

Thông tin trao đổi trong nhóm chat của lớp học cháu K.N - con gái anh Trần Văn Quỳnh. Ảnh: NVCC

Anh Quỳnh cho rằng, nếu trường hợp tập đoàn và nhà trường sâu sát và có trách nhiệm hơn, thì ngay khi số lượng các cháu nhập viện tăng dần, nhà trường phát đi thông báo ở mức độ cấp bách, kêu gọi sự vào cuộc, hỗ trợ của Sở Y tế Khánh Hòa, của Bộ Y tế thì chắc chắn Bộ Y tế sẽ cử đoàn vào ngay và sẽ không có bé nào bị tử vong.

Theo anh Quỳnh, TP Nha Trang có dân số cơ học đông, để xin được cho con học đúng tuyến trường công là chuyện vô cùng vất vả, nên cho con theo học trường Quốc tế đôi khi là không còn sự lựa chọn. Hơn nữa, đây là trường tư thục, cơ chế xin nhập học rất đơn giản, hầu hết các gia đình có điều kiện đều gửi con vào đây theo học.

Cũng vì không có sự lựa chọn, vì tin tưởng vào thương hiệu Tập đoàn Nguyễn Hoàng và danh xưng trường quốc tế nên anh Quỳnh đã lựa chọn, cho con theo học iSchool Nha Trang.

Sự việc khiến 1 cháu bé tử vong đã khiến các phụ huynh đau xót. Ảnh: NVCC

Mặc dù đến nay, các cháu đã qua cơn nguy kịch nhưng anh Quỳnh cho rằng: "Phụ huynh, dư luận phải lên tiếng bởi các cháu thường xuyên dùng thực phẩm ở trường thì có khả năng đã bị nhiễm độc thời gian dài, nguy cơ cao ảnh hưởng tới nội tạng, sự phát triển cũng như trí tuệ của các cháu. Thỉnh thoảng con gái tôi đi học về là lại bị đau bụng, ốm sốt".

Anh Quỳnh cho rằng khi chưa tỏ tường nguồn thực phẩm cho các cháu ăn đến từ đâu, nhiễm độc thế nào thì nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho các cháu học sinh trên toàn hệ thống giáo dục của tập đoàn Nguyễn Hoàng vẫn đáng báo động.

Anh Quỳnh khẳng định: "Nhà trường đã tắc trách khi hiện tượng học sinh đau bụng đã được rất nhiều phụ huynh phản ánh trước đó…".

Hình ảnh đám tang của một nạn nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trường iSchool Nha Trang. Ảnh: NVCC.

"Rất may là con gái và cháu trai tôi được cấp cứu kịp thời nên không có tình huống xấu xảy ra, nhưng nếu đi cấp cứu chậm hơn thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Trong khi ngộ độc ở trẻ em diễn tiến rất nhanh, vi khuẩn phát tác rất nhanh. Do đó, tôi gọi đây là thảm họa của xã hội. Bởi tôi cho rằng, trẻ em phải được chăm sóc bằng tất cả những gì tử tế nhất. Hơn nữa, khi sự việc xảy ra, Hội Bảo vệ trẻ em tỉnh Khánh Hòa đã ở đâu?", anh Quỳnh bức xúc.

Nhân vụ việc, anh Quỳnh đề nghị Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan phải cho kiểm tra, rà soát lại tất cả các suất ăn trong trường học ở các cấp học, không để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Vụ học sinh ngộ độc tập thể tại Nha Trang: Phát hiện nhiều loại vi khuẩn trong cánh gà chiên

Chiều 22/11, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có thông cáo báo chí liên quan đến vụ hàng trăm học sinh và giáo viên Trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm. Thông cáo cho biết, hiện còn 137 trường hợp đang điều trị tại 6 cơ sở trên địa bàn TP. Nha Trang. Trong đó, không còn ca nặng nào phải theo dõi và có 1 trường hợp đã tử vong.

Kết quả mẫu xét nghiệm vào chiều 22/11 của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy đã phát hiện vi khuẩn Samonella spp, vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cereus trong 2 mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không lý giải hồng cầu. Kết quả xét nghiệm cũng phát hiện vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.

Làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế vào sáng cùng ngày, ông Trịnh Ngọc Hiệp - Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hoà, cho biết: Từ tối 17 đến sáng 22/11, các bệnh viện trong thành phố tiếp nhận 648 học sinh và giáo viên Trường iSchool Nha Trang tới thăm khám, có chung triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, sốt, đau bụng… sau khi ăn 6-9 tiếng đồng hồ. Theo ông Hiệp, kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận tác nhân khiến hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc, một trẻ tử vong là vi khuẩn Salmonella.

Như Tiền Phong đã thông tin, hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang trở về nhà thì bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy và sốt, nghi bị ngộ độc thực phẩm, sau khi dùng bữa tại trường vào trưa 17/11. Các em được phụ huynh đưa đi cấp cứu tại 5 bệnh viện trên địa bàn TP. Nha Trang. Đến ngày 20/11, một nam sinh 6 tuổi (bố là người nước ngoài) đã tử vong trên đường chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên liên quan vụ ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa của Trường iSchool Nha Trang, được bác sĩ chẩn đoán vào thời điểm nhập viện là sốc nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm.

Ai tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trường iSchool Nha Trang?

Ngày 22/11, báo cáo của Phòng Y tế TP. Nha Trang gửi UBND TP. Nha Trang cho biết: Người tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc là ông Bùi Phúc L. (SN 1982, ở đường Phú Xương, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang). Ông này cũng là chủ cơ sở kinh doanh bán hàng ăn uống giải khát tại trường cùng một số nhân viên của cơ sở thực hiện.


Phần ăn trưa ngày 17/11/2022 của học sinh trường iSchool Nha Trang. Ảnh L.H

Theo đó, ông Bùi Phúc L. có giấy phép hộ kinh doanh số 37A80221626 do Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Nha Trang cấp ngày 24/9/2015 (đăng ký lại lần 1), ngành nghề kinh doanh: bán hàng ăn uống giải khát, hải sản tại gian hàng trường iSchool Nha Trang, đường Hai Bà Trưng, phường Xương Huân, TP. Nha Trang. Ông L. cũng có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 165/ATTP-CNĐK do Phòng Y tế TP. Nha Trang cấp ngày 19/10/2022 (cấp lần 3).

Trước đó, chiều 21/11, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã ghi nhận gần 650 học sinh trường iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm. Trong đó, 387 ca điều trị nội trú, 21 ca nặng đã được tích cực xử lý và tình trạng đã ổn định. Riêng với trường hợp học sinh lớp 1 người nước ngoài tử vong, Sở Ngoại vụ tỉnh đang làm việc cơ quan chức năng để hỗ trợ thủ tục theo quy định; chính quyền địa phương và sở, ngành đã thăm hỏi, động viên gia đình.

UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Viện Pasteur Nha Trang khẩn trương, kịp thời công bố kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm để có hướng xử lý. UBND tỉnh Khánh Hoà cũng chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xem xét tính chất vụ việc.

Công an Cà Mau nói gì vụ ngư dân bị hành hạ dã man

Ngày 22/11, thượng tá Phan Bửu Kiếm, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Cà Mau cho biết sau khi mạng xã hội xuất hiện 2 clip ông Trương Văn Trung và Lê Văn Bình bị hành hạ dã man trên tàu cá thì công an toàn quốc đã vào cuộc xác minh chứ không riêng gì Cà Mau.

Vụ việc được xác định xảy ra ở Cà Mau và bị hại là ông Trung và ông Bình. Ngày 17-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Thời, tỉnh Cà Mau thụ lý vụ việc, khởi tố vụ án hành hạ người khác ngay sau đó.

Sau khi bị Nguyễn Công Toàn (34 tuổi), Đoàn Văn Hùng và Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi; cùng ngụ huyện Trần Văn Thời) dùng kềm bấm vào ngón tay, môi, lỗ tai… thì cả 2 nạn nhân đã đến Công an thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời trình báo vụ việc vào những ngày cuối tháng 5.

Sau khi ghi lời khai, ông Trung và ông Bình không yêu cầu xử lý hình sự cũng như không đồng ý làm việc mà chỉ yêu cầu thỏa thuận với chủ tàu cá BT 97993 – TS.

Sau đó, 2 bị hại đi theo tàu khác ra biển đánh bắt thủy sản chứ không quay lại làm việc với cơ quan công an. Lúc này, Công an thị trấn Sông Đốc đã yêu cầu chủ tàu cá BT 97993-TS điều tàu vào nhưng người này không chấp hành.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng hành hạ dã man ngư dân.

Nghi đi "săn mây", 2 học sinh gặp tai nạn chết thương tâm

Ngày 22/11, Công an huyện Bù Đăng phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước đang làm rõ vụ 2 học sinh lớp 9 tử vong sau va chạm với xe tải.

Vụ tai nạn xảy ra trên đường ĐT 755B (xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Nạn nhân là em Nông Quốc D và em Sầm Như L (cùng 14 tuổi, học lớp 9).

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Tiền Phong

Theo tin tức ban đầu, vào khoảng 4h30 cùng ngày, em D. điều khiển xe máy chỏ theo em L. trên đường ĐT 755B (đường Sao Bọng – Đăng Hà), hướng từ huyện Bù Đăng đi tỉnh Lâm Đồng. Đến đoạn thuộc dốc 5 cây, thôn 5, xã Thống Nhất, xe máy ôm cua trong điều kiện bị hạn chế tầm nhìn do sương mù dày đặc nên đã xảy ra va chạm với xe đầu kéo 3H-013.71 đang chạy từ chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến cả 2 em học sinh tử vong tại chỗ.

Theo một số người dân, khu vực đỉnh dốc 5 cây hiện đang là địa điểm được ví như “Đà Lạt thu nhỏ” ở Bình Phước, thu hút nhiều bạn trẻ tham quan. Các thanh thiếu niên thường tới nơi đây để ngắm chân mây bay (còn gọi là "săn mây") lúc rạng sáng, thời điểm từ 3-6h.

Người dân cũng nhận định, thời điểm xảy ra tai nạn, 2 thiếu niên này được cho là đi "săn mây" ở khu vực đỉnh dốc 5 cây.

Giá vàng bất ngờ 'lao dốc', người mua cần thận trọng

Vào lúc 7h ngày 22/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào và bán ra ở mức 66,5 – 67,5 triệu đồng/lượng, giảm 120.000 đồng/lượng bán ra so với sáng 21/11.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết vàng SJC ở mức 66,5 – 67,4 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Giữ nguyên chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá đóng cửa của phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 66,52 – 67,38 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 20.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày 21/11. Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch mức 52,73 – 53,68 triệu đồng/lượng. Vàng trang sức giao dịch mức 52,4 – 53,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji giữ nguyên niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,4 – 67,4 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.742,2 - 1.743,2 USD/ounce, giảm 8,9 USD/ounce so với phiên trước đó.

Các nhà phân tích đang cảnh báo rằng, việc vàng giảm xuống dưới 1750/ounce có thể kết thúc đợt tăng giá và mở ra cơ hội cho một đợt giảm giá mạnh hơn đối với kim loại quý.

Theo các chuyên gia trong nước, giá vàng phiên sáng giảm nhẹ, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch, thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

Với thị trường tiền tệ trong nước, thời điểm 7h ngày 22/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết của ngày 21/11 ở mức 23.674 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước 24.850 đồng/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, Vietcombank niêm yết tỷ giá 24.607 - 24.857 đồng/USD (mua vào - bán ra).