1,67 triệu SIM đã bị khóa 1 chiều
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, theo báo cáo của các nhà mạng, trong tập hơn 3,84 triệu SIM thuê bao mà doanh nghiệp xác định phải chuẩn hóa do sai thông tin so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có 2,17 triệu SIM được chuẩn hóa thông tin cá nhân, chiếm khoảng 56,49%. Ông Nguyễn Phong Nhã còn cho hay đã có 1,67 triệu SIM bị khóa 1 chiều từ 31/3 do chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
“Những thuê bao bị khóa 1 chiều, đề nghị người sử dụng chủ động nhắn tin tới số 1414 với cú pháp TTTB để biết thông tin thuê bao của mình đúng hay chưa, từ đó chủ động cập nhật hoặc gọi đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của nhà mạng để được hỗ trợ”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Chia sẻ với VietNamNet, một nhà mạng cho hay, có những tập khách hàng nghi ngờ là SIM rác (do trong tài khoản là 0 đồng và thuê bao không hoạt động) dù đã nhận tin nhắn, nhưng không đăng ký lại thông tin cá nhân. Còn lại những thuê bao đang sử dụng nhận được tin nhắn của nhà mạng đã tích cực đi chuẩn hóa thông tin thuê bao theo quy định.
“Nhiều khả năng những SIM rác sẽ chiếm số lượng tương đối trong tổng số 1,86 triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân, nên các đại lý sẽ không đăng ký lại nữa”, một nhà mạng chia sẻ.
Meta tung ra công cụ tách quảng cáo khỏi nội dung độc hại
Hệ thống mới của Meta sẽ cho phép khách hàng lựa chọn ba mức độ rủi ro của vị trí đặt quảng cáo. Lựa chọn an toàn nhất là không đặt quảng cáo trong các bài đăng có nội dung nhạy cảm liên quan đến vũ khí, tình dục hoặc chính trị.
Meta cũng sẽ cung cấp một báo cáo thông qua công ty đo lường quảng cáo Zefr để hiển thị cho các nhà quảng cáo trên Facebook nội dung chính xác xuất hiện gần quảng cáo của họ và cách phân loại nội dung đó.
Từ lâu các nhà tiếp thị đã ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ nơi đặt quảng cáo trên mạng. Họ phàn nàn rằng các "gã khổng lồ" mạng xã hội không làm gì để ngăn quảng cáo xuất hiện bên cạnh các bài viết mang nội dung xúc phạm, giả mạo hay chứa ngôn từ thù địch.
Vấn đề lên đến đỉnh điểm vào tháng 7/2020, khi hàng nghìn thương hiệu tham gia tẩy chay Facebook trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Theo một thỏa thuận được môi giới vài tháng sau đó, Meta đã đồng ý phát triển các công cụ để "quản lý quảng cáo tốt hơn", cùng với các nhượng bộ khác.
Samantha Stetson - Phó chủ tịch Hội đồng Khách hàng và quan hệ thương mại công nghiệp của Meta cho biết, công ty sẽ đưa ra những biện pháp kiểm soát chi tiết hơn để các nhà tiếp thị có thể tùy chọn vị trí đặt quảng cáo.
Nhiều người Mỹ ủng hộ cấm TikTok
Cuộc khảo sát được tiến hành ngày 20-26/3 cho thấy 50% trong số hơn 3.500 người Mỹ trưởng thành được hỏi có xu hướng ủng hộ lệnh cấm của chính phủ đối với TikTok, trong khi chỉ 22% phản đối.
Tuy nhiên, trung tâm nghiên cứu Pew cho biết tỷ lệ này sẽ thay đổi nếu nhìn vào từng nhóm khảo sát. 60% người không sử dụng TikTok ủng hộ việc cấm, nhưng chỉ có 19% người đang tham gia nền tảng tán thành.
TikTok hiện có hơn 150 triệu người hoạt động hàng tháng tại Mỹ. Sự thịnh hành của nó buộc các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube phải thay đổi và phát hành tính năng video ngắn tương tự. Ứng dụng của ByteDance đặc biệt phổ biến đối với người trẻ. Một khảo sát từ 2022 của Pew cho thấy 67% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi nói đang sử dụng TikTok.
TikTok thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh. Giới chức Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa ByteDance và chính phủ Trung Quốc, cũng như nguy cơ thu thập trái phép dữ liệu người dân. Tháng 11/2022, Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên Bang Mỹ FBI nói TikTok có khả năng được sử dụng để "kiểm soát thuật toán gợi ý và thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng".
Hoàng Yên (T/h)