Tin tức đời sống ngày 2/5: Người phụ nữ bị ngứa 4 năm mới phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo

Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/5/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 2/5/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ bị ngứa 4 năm mới phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo

Theo VnExpress, ngày 1/5, TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện thường trực Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết nữ bệnh nhân 48 tuổi đến khám trong tình trạng toàn thân thâm tím, có nhiều mảng da trầy xước, nhiều vết ngoằn ngoèo dưới da như giun bò.

4 năm qua, người bệnh ngứa dữ dội, gãi đến mức trầy xước, nhiễm trùng. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo, kèm dị ứng trên da. Bệnh nhân không nuôi chó mèo, không tin nhiễm giun.

Bác sĩ Thọ chia sẻ, nguồn lây có thể từ ăn rau sống, hoặc khi chế biến thức ăn. Bác sĩ dùng thuốc điều trị đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng, trị triệu chứng ngứa, sức khỏe người bệnh sau đó ổn định.

Được biết, giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người.

tin tuc doi song moi nhat ngay 252023 nguoi phu nu bi ngua 4 nam moi phat hien nhiem giun dua cho meo

Người bệnh nhiễm giun đũa chó mèo ngứa rất nhiều đến mất ăn mất ngủ, gãi trầy xước da, toàn thân thâm tím, sứt sẹo vì ngứa. Ảnh minh họa

Người nhiễm loại giun này có thể do ăn phải một cách tình cờ. Ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh, gây viêm não, màng não. Trẻ em dễ nhiễm giun sán do thói quen đùa nghịch với đất cát, là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo.

Ngứa là dấu hiệu điển hình. Người bệnh ngứa rất nhiều đến mất ăn mất ngủ, gãi trầy xước da, toàn thân thâm tím, sứt sẹo vì ngứa. Người bệnh nhiễm trùng trên da nhiều năm, điều trị về da liễu nhưng bệnh không thuyên giảm. Tại mỗi vị trí khác nhau sẽ có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau.

Hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng, chơi và ngủ cùng chúng, là nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật. Bác sĩ khuyến cáo các gia đình vệ sinh môi trường sống, không cho trẻ em chơi ở những nơi có phân chó mèo, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, ăn chín uống sôi và tẩy giun định kỳ cho vật nuôi.

Cô gái gặp họa khi mua sáp tẩy lông vùng bikini để đi du lịch

Theo báo Dân Trí, M. (19 tuổi, trú tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng da bị biến chứng sau khi tự làm đẹp tại nhà. Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến du lịch biển, cô gái lên mạng đặt mua một loại sáp được quảng cáo có công dụng tẩy lông.

Nhận được hàng, bệnh nhân đun nóng sáp cho hóa lỏng rồi bôi lên vùng kín. Đến khi sáp khô, người bệnh tiến hành lột ra như hướng dẫn thì da vùng kín có dấu hiệu bị tổn thương. 48 giờ sau, khi vết thương chảy dịch vàng và bắt đầu phát sốt, bệnh nhân mới vào viện "cầu cứu".

ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo, chuyên khoa sản, phụ khoa cho biết, sau khi tiến hành thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, phải sử dụng kháng sinh điều trị. Sau 3 ngày nằm viện, cô gái được cho về nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Trước khi về, bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân cách chăm sóc vùng kín, tránh mặc đồ chật, đặc biệt không sử dụng các dung dịch vệ sinh vùng kín không rõ nguồn gốc.

Nhân trường hợp này, bác sĩ Thanh Thảo khuyên chị em nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ phương pháp làm đẹp "vùng bikini". Theo đó, chỉ nên loại bỏ nếu lông vùng kín quá dày, trước khi sinh nở hoặc thực hiện các phẫu thuật phụ khoa. Đồng thời, cần chú ý vấn đề vệ sinh, sát khuẩn tay trước khi tẩy lông, kiểm tra nhiệt độ sáp tẩy lông trước khi thực hiện, tránh gây bỏng.

Sau khi tẩy lông, nếu có tình trạng sưng tấy, trầy da, chảy máu, loét, cần đến gặp bác sĩ ngay để được can thiệp kịp thời, tránh bị phản tác dụng. "Các loại thuốc, sáp tẩy lông đều có khả năng kích ứng, cần thử trước tại vùng tay, chân nếu an toàn mới nên thực hiện tại vùng kín", bác sĩ khuyến cáo.

Điều trị cho người đàn ông bị ung thư biểu mô tế bào vảy

Ngày 29/4, TS Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin, khi đến viện, vùng ngực trái, thượng vị trái và dưới sườn trái của nam bệnh nhân 66 tuổi có nhiều mảng nâu kích thước khoảng 3 x 3,5cm.

"Các tổn thương nâu ở ngực, bụng bệnh nhân tăng dần kích thước, trợt rỉ dịch và đóng vảy tiết nhưng không đau", bác sĩ Quang cho hay. Theo thông tin trên VietNamNet, lòng bàn tay bệnh nhân xuất hiện lốm đốm dày sừng, đau nhức nhẹ.

Người bệnh kể,  26 năm nay, mỗi ngày ông đều dùng thạch tín để điều trị hen. Mười năm nay, ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), duy trì Seretide và Bambuterol. Ngoài ra, ông còn bị xơ gan, đã cắt lách.

tin tuc doi song moi nhat ngay 252023 nguoi phu nu bi ngua 4 nam moi phat hien nhiem giun dua cho meo1

Biểu hiện ung thư da từ những bất thường trong lòng bàn tay bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

Tiến sĩ Quang chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào vảy (Bowen) vùng ngực, bụng, trên nền tiền sử dùng thạch tín, COPD. Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ triệt để ung thư, chăm sóc tại chỗ, chống nắng.

Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã được loại bỏ hoàn toàn khối ung thư. Trong quá trình theo dõi điều trị, bệnh nhân ổn định. Được biết, Bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận trường hợp tương tự.

"Lý do sử dụng thạch tín hoặc thuốc có lẫn thành phần thạch tín (một chất gây độc) của bệnh nhân rất đa dạng, từ chữa hen phế quản, vảy nến đến bệnh nhân sống trong vùng ô nhiễm, sử dụng nguồn nước giếng khoan nhiễm độc thạch tín lâu ngày", bác sĩ Quang nói.

Đinh Kim (T/h)