Tại sự kiện tọa đàm “Phân khúc nào phù hợp với thị trường trong thời gian tới” được tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, kể từ năm 2015 đến nay, thị trường BĐS nhà ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, không khó để nhận ra một thực tế là thị trường nhà ở tại các đô thị xuất hiện tình trạng lệch pha cung – cầu.
Phân khúc nhà ở giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không còn vì thiếu quỹ đất để làm dự án
Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân và nhu cầu đầu tư kinh doanh BĐS tại các đô thị lớn trên cả nước ngày một tăng cao thì số lượng dự án được phê duyệt đầu tư rất hạn chế. Điều này đã tạo nên sự khan hiếm nguồn cung cho thị trường.
Cơ cấu nguồn cung phân các khúc nhà ở hiện cũng không tương thích với nhu cầu. Tại TP.HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã “biến mất”, còn tại Hà Nội, tỷ trọng của phân khúc này cũng rất thấp (khoảng 10%). Vì vậy, đại bộ phận người dân – là những người có thu nhập thấp như cán bộ, công nhân viên, người lao động đang mất dần khả năng sở hữu nhà ở.
Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng giá BĐS sẽ giảm nhiệt. Việc nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư lại tăng cao khiến giá BĐS không hề có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn tăng cao.
Theo ông Phạm Lâm - Chủ tịch DKRA Vietnam cho biết, hiện tại nguồn cung nhà ở hạng C, có giá khoảng 25 triệu đồng/m2 ở khu vực lân cận TP.HCM gần như "tuyệt chủng". Lý do là giá đất các khu vực này hiện đã lên quá cao, CĐT khó có thể làm các dự án bán ra ở ngưỡng giá này. Vì thế, việc giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động là rất khó khăn ở thời điểm này.
“Thực tế, nếu những sản phẩm căn hộ có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2, có pháp lý đầy đủ thì khả năng tiêu thụ phải đạt 100%, nhưng loại hình gần như đang biến mất khỏi TP.HCM”, ông Lâm nhấn mạnh.
Hiện tại trong vòng bán kính (khoảng cách so với trung tâm TP.HCM), theo ông Lâm rất khó để có quỹ đất làm dự án có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, trong khi nhu cầu của thị trường ở phân khúc này còn rất lớn. Nếu đi xa hơn nữa thì hạ tầng lại không giải quyết được. Tuy nhiên, nhìn dài hạn thì các khu vực xa xôi của TP.HCM trong nhiều năm nữa sẽ có cơ hội phát triển, hạ tầng cải thiện sẽ giảm tình trạng kẹt xe, thị trường BĐS vì thế cũng phát triển theo.
Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường đang thiếu trầm trọng sản phẩm phân khúc bình dân, nguy cơ lệch cung về phân khúc hạng sang được dự báo có thể diễn ra mạnh trong các năm tới. Hầu hết các sản phẩm có giá từ 20-25 triệu đồng/căn chỉ là câu chuyện của mấy năm về trước, ngưỡng giá này của cách đây 2 năm, hiện đã chạm mốc 30-40 triệu đồng/m2 ở hầu hết các phân khúc.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở hạng C đang rất lớn trên thị trường TP.HCM. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, cứ mỗi 5 năm cư dân TP tăng lên 1 triệu dân, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng lên. Hiện nay theo ghi nhận nhiều ông lớn BĐS đã cùng lúc đổ về tỉnh lân cận để phát triển, tìm cơ hội trong dài hạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, việc phát triển dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bài toán hạ tầng vẫn đóng vai trò quan trọng, quyết định phần nhiều đến thanh khoản của một dự án.