Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 5/7, Công an quận Bình Tân (TP.HCM) phối hợp với Thanh tra sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân tử vong của một cô gái sau khi truyền dịch tại một phòng khám.
Trước đó, vào chiều ngày 3/7, chị T.T.H (28 tuổi, ngụ TP.HCM) tới một phòng khám đa khoa trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM để khám và được truyền dịch. Sau khoảng 3 tiếng, gia đình nhận được thông tin chị H đã tử vong trước khi được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu.
Khi được đưa đến bệnh viện, chị H có mạch bằng 0. Các y bác sĩ đã tích cực cứu chữa nhưng bất thành. Các kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy chị H. dương tính với sốt xuất huyết.
Liên quan đến vụ việc, VietNamNet thông tin Bệnh viện Thống nhất đã có báo cáo cụ thể trường hợp trên đến sở Y tế TP.HCM.
Được biết, đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 21.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 181% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca nặng là 346 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc chiếm 1,6%, tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ít nhất 10 ca tử vong (có 2 thai phụ) tính đến nay.
Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã chuyển nặng, rơi vào sốc. Nhiều bác sĩ cũng đã cảnh báo tình trạng truyền dịch, tiêm thuốc cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại các phòng mạch có thể dẫn đến nguy kịch.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức – Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, sốt xuất huyết rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn nặng (ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh). Nếu chích vào cơ (chích bắp) có thể làm rách các mao mạch và gây chảy máu không cầm được.
Bác sĩ Việt cảnh báo, một vài cơ sở y tế, phòng mạch thường truyền dịch sớm và nhiều cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi chưa có chỉ định. Điều này dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, phải giúp thở sớm, nguy hiểm cho bệnh nhân.
Đinh Kim (T/h)